Xuất khẩu cà phê giảm trong tháng đầu năm
Do trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay tăng 2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm chiếm 43,6% tổng khối lượng xuất khẩu với 62.132 tấn, trị giá 135 triệu USD.
Trong đó, những thị trường tiêu thụ cà phê chính của Việt Nam tại EU gồm Đức (21.487 tấn), Italy (17.274 tấn), Bỉ (9.282 tấn), Tây Ban Nha (5.984 tấn)…
Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu khác có thể kể đến như Mỹ đạt 10.901 tấn, Nga 10.087 tấn…
Điểm đặc biệt là khối lượng xuất khẩu sang một số nước trồng cà phê khác tăng rất mạnh trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái như Indonesia tăng gấp 4,5 lần (đạt 3.245 tấn), Mexico tăng 4 lần (đạt 2.797 tấn), Ấn Độ tăng 62,3% (đạt 2.507 tấn).
Giá cà phê trong nước tăng lên mức cao nhất 4 tháng
Trong tháng 1 giá cà phê xuất khẩu của nước ta tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn bình quân 2.178 USD/tấn, thấp hơn 2,5% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, tại thị trường trong nước giá cà phê lại ghi nhận sự phục hồi mạnh trở lại. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã liên tục tăng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và chạm ngưỡng cao nhất 4 tháng vào ngày 8/2, với mức giá dao động trong khoảng 43.900 – 44.400 đồng/kg.
Sau đó giá điều chỉnh xuống còn 43.400 – 43.900 đồng/kg vào ngày 10/2, nhưng vẫn cao hơn 3.500 – 3.700 đồng/kg so với mức giá 39.700 – 40.300 đồng/kg đạt được vào đầu tháng 1 năm nay.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta trên sàn London trong phiên giao dịch ngày 10/2 dao động ở mức 2.037 USD/tấn, giảm hơn 2% so với mức cao nhất đạt được vào ngày 8/2 nhưng tăng 8,8% so với đầu tháng 1.
Giá cà phê arabica cùng kỳ hạn trên sàn New York cũng giảm 2,1% so với ngày 8/2 nhưng tăng 7,7% so với đầu tháng 1, đạt 173,7 US cent/pound.
Những thông tin tích cực về triển vọng kinh tế thế giới và lượng bán ra giảm tại các nước xuất khẩu lớn được cho là những yếu tố chính đẩy giá cà phê trong nước và thế giới tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Theo dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023, nhưng cao hơn so với dự báo 2,7% đưa ra vào tháng 10/2022.
Giá cà phê cũng được hỗ trợ bởi các Quỹ và nhà đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.
Trong khi đó, lượng cà phê bán ra tại các nước xuất khẩu lớn đều cho thấy xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây.
Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, xuất khẩu cà phê nhân xanh của nước này trong tháng 1 chỉ đạt 2,5 triệu bao, giảm tới 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là giá cà phê tại trường nội địa cao hơn khiến các nhà xuất khẩu không mua được hàng để giao cho các hợp đồng đã ký.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên xuất khẩu cà phê tháng 1 chỉ đạt 142.544 tấn (khoảng 2,37 triệu bao), giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 4 tháng đầu tiên của niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê của Việt nam đạt 547.857 tấn (khoảng 9,13 triệu bao), giảm 9,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Còn theo báo cáo của Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia, xuất khẩu cà phê của nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới đã giảm 19% trong tháng 1 xuống còn 835.000 bao.
Điều này càng khiến nguồn cung toàn cầu trở lên căng thẳng hơn khi báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu từ tháng 10 đến tháng 12/2022 đã giảm 2,8% so với cùng kỳ xuống còn 30,3 triệu bao.
Ngoài những yếu tố kể trên, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi thông tin không mấy khả quan về vụ mùa 2023-2024. Rabobank đã cắt giảm ước tính thặng dư cà phê toàn cầu niên vụ 2023-2024 xuống 1,6 triệu bao, thấp hơn con số 4 triệu bao trong báo cáo trước.
Volcafe, một trong những nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, đưa ra nhận định kém lạc quan hơn khi dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ thiếu hụt 3,8 triệu bao (60 kg/bao) so với nhu cầu trong mùa vụ tới.
Volcafe cho rằng thị trường robusta toàn cầu sẽ thâm hụt kỷ lục 5,6 triệu bao trong niên vụ 2023-2024. Nguyên nhân là bởi Indonesia, nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới sẽ chứng kiến sản lượng giảm xuống 9,1 triệu bao, đánh dấu vụ cà phê robusta thấp nhất trong 10 năm do mưa nhiều tại các vùng trồng trọt gây thiệt hại cho sản lượng.
Kịch bản tăng giá như năm 2022 liệu có lặp lại?
Giá cà phê đã phục hồi trở lại trong thời gian gần đây nhưng kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 được cho là khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu sẽ tăng 6,6 triệu bao lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do vụ cà phê arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Mới đây, Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) dự báo sản lượng của Brazil trong năm 2023 sẽ đạt 54,9 triệu bao, tăng 7,9% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng cà phê arabica dự báo ở mức 37,4 triệu bao, tăng 14,4%. Ngược lại, robusta dự kiến sẽ giảm 3,8% xuống 17,5 triệu bao.
Ngoài ra, đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng so với đồng USD có thể thúc đẩy các nhà sản xuất cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra trong thời gian tới. Các nhà phân tích cho rằng giá có thể đảo chiều một khi các nước đẩy mạnh bán ra, đặc biệt là Brazil.