Nguồn: bnews.vn
Thịt bò
Năm 2023, sản lượng thịt bò toàn cầu được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống còn 59,2 triệu tấn. Mặc dù sản lượng dự kiến sẽ tăng ở Trung Quốc, Brazil và Australia, nhưng sẽ sụt giảm ở Mỹ và EU.
Xuất khẩu thịt bò toàn cầu cũng được dự báo sẽ giảm 1,2% trong năm 2023 xuống còn 12,1 triệu tấn do nhu cầu giảm, đặc biệt là Trung Quốc.
Brazil dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục khi nguồn cung của các đối thủ cạnh tranh chính như Achentina, Paraguay, Uruguay và Ấn Độ bị thắt chặt.
Việc giảm sản lượng dự kiến cũng sẽ hạn chế lượng thịt xuất khẩu từ Mỹ và Canada sang Đông Nam Á, tuy nhiên sẽ tăng xuất khẩu thịt bò từ thị trường Australia.
Thịt lợn
Sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1%, lên 111 triệu tấn, chủ yếu sản lượng tăng ở Trung Quốc (+2%). Mỹ, Brazil và Mexico cũng được dự báo tăng sản lượng lần lượt là 0,7%, 1,6% và 4,6%.
Giá năng lượng và thức ăn gia súc tăng, các hạn chế về môi trường và nhu cầu giảm đồng nghĩa với việc sản lượng thịt lợn ở EU và Vương quốc Anh dự kiến sẽ giảm.
Mặc dù sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng, nhưng xuất khẩu toàn cầu dự báo sẽ giảm 1,6% xuống 10,5 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm từ Trung Quốc, nơi nguồn cung trong nước tăng lên sẽ thay thế nhu cầu nhập khẩu.
Xuất khẩu thịt lợn của EU năm 2023 được dự báo sẽ giảm 3,6% do giảm cơ hội xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc cũng như sản lượng giảm.
Nhu cầu nhập khẩu ở Philippines dự kiến cũng sẽ giảm (-18,2%) do các chính sách ưu đãi nhập khẩu sẽ kết thúc vào cuối năm 2022 mặc dù dịch tả lợn châu Phi ASF bùng phát.
Thịt gà
Sản lượng thịt gà toàn cầu năm 2023 được dự báo tăng 1,8% lên 102,7 triệu tấn. Mặc dù giá năng lượng và thức ăn chăn nuôi cao làm giảm lợi nhuận trên toàn cầu, tất cả các nhà sản xuất lớn ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng sản xuất.
Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ khi người tiêu dùng tìm kiếm các loại protein động vật có chi phí thấp hơn trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao.
Xuất khẩu thịt gà toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng 3,7%, lên 14,1 triệu tấn. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ ở Brazil, Mexico, Saudi Arabia, Mỹ và EU.
Brazil dường như có vị thế tốt để đáp ứng hầu hết nhu cầu tăng này khi các đối thủ cạnh tranh chính của nước này đang gặp khó khăn trong việc tăng nguồn cung có thể xuất khẩu.
Giá cả cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường EU và khả năng cung cấp sản phẩm halal kết hợp với nhau giúp Brazil trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm hơn một phần ba xuất khẩu toàn cầu.