Nguồn: vnexpress.net
Bức tranh xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm còn nhiều thách thức khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 108,57 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước.
TP HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - xuất khẩu 4 tháng chỉ đạt hơn 12 tỷ USD, giảm 21%, mức giảm mạnh nhất 22 năm. Trong các nhóm ngành xuất khẩu, thủy sản, đồ gỗ, mỹ nghệ, dệt may sụt giảm sâu ở mức hai con số. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cạn đơn hàng, đột ngột ngừng đơn xuất khẩu vì đối tác phá sản.
Tuy nhiên, trong nhóm xuất khẩu, trái cây, gạo, hạt điều và hàng tiêu dùng thiết yếu lại là điểm sáng khi nhiều doanh nghiệp vẫn đạt doanh số cao và tăng trưởng 20-40% trong 4 tháng đầu năm.
Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, 5 tháng qua, rau quả xuất khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Malaysia tăng mua rau quả Việt Nam. Riêng Trung Quốc mua rau quả của Việt Nam đạt 805 triệu USD, chiếm 59% về thị phần (năm ngoái chiếm 53%).
Với gạo, theo thống kê Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tương đương 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Nhóm hàng tiêu dùng, theo các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến như mỳ ăn liền, bún phở, gia vị, xuất khẩu tăng trưởng 10-30%. Trong đó, các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản có nhu cầu cao với hàng Việt vì giá cạnh tranh và chất lượng cải tiến.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket, cho hay 5 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ. Doanh số tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cao. Ngoài mỳ tôm là chủ lực, người Mỹ, EU còn chuộng các sản phẩm thuộc dòng gạo.
Tương tự, bà Đinh Hồng Vân, Giám đốc Marketing cấp cao Masan Consumer, thông tin, 4 tháng đầu năm, hầu hết mặt hàng tiêu dùng thiết yếu xuất khẩu của công ty đều khả quan, trong đó, nhóm gia vị tăng mạnh nhất, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản.
Với gạo, Công ty Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh (Lotus Rice), đơn vị chuyên xuất bán sang thị trường EU, năm nay đang đối diện thực tế "không mua được đủ gạo chất lượng để bán". 4 tháng đầu năm, theo Giám đốc Huỳnh Văn Khỏe, đơn hàng xuất khẩu dồn dập.
"Chưa năm nào đơn hàng xuất khẩu gạo lại nhiều như năm nay. Dù giá gạo tăng cao, đối tác vẫn mua với số lượng lớn", ông Khỏe kể.
Có được nhiều thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, 4 tháng đầu năm doanh thu xuất khẩu trái cây của công ty tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Với mặt hàng sầu riêng, năm nay công ty có hợp đồng xuất khẩu 1.500 container (mỗi container 15 tấn) sang thị trường Trung Quốc.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết trái cây Việt đang ngày càng được ưa chuộng vì hương vị sản phẩm ngon hơn so với các quốc gia khác.
Ông dẫn chứng, sầu riêng, xoài, thanh long Việt giá hấp dẫn, chất lượng đang vượt trội so với Trung Quốc, Ấn Độ. Việt Nam có khí hậu thuận lợi và kỹ thuật canh tác tốt hơn so với các nước bạn. Mặt khác, trái cây Việt sản xuất được quanh năm, còn đối thủ chỉ sản xuất được chính vụ.
Nửa cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu nắm bắt tốt yêu cầu thị trường Trung Quốc theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP). Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể trên 4 tỷ USD. "Con tàu rau quả Việt sẽ tăng tốc trong năm nay và các năm về sau", ông Nguyên ví von.
Lý do nhóm ngành xuất khẩu này lội ngược dòng, một phần vì Trung Quốc mở cửa, nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu tại thị trường tỷ dân tăng cao. Chiến tranh Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng, đồng thời, hạn hán khiến nguồn cung lương thực toàn cầu giảm. Các quốc gia như châu Âu, Mỹ, Anh tăng cường nhập khẩu lương thực để dự trữ. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cho thấy sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự báo đạt 503 triệu tấn, giảm 2% so với năm trước và mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ niên vụ 2015-2016.
Ngoài ra, các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu của Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng và có giá cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã chuyên tâm hơn trong nghiên cứu sản phẩm đúng khẩu vị người tiêu dùng quốc tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhóm này cho biết bức tranh xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn chưa thật sự vững vàng. Hiện, kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn suy thoái, lạm phát tăng cao, rủi ro vẫn rình rập khi giá nguyên vật liệu leo thang. Một số mặt hàng xuất khẩu còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhóm xuất khẩu sản phẩm thiết yếu như mỳ tôm, bún phở vẫn đang bị đè nặng với quy định mới của EU về chất cấm ethylene oxide. Việc cấp chứng thư an toàn thực phẩm với sản phẩm mỳ ăn liền còn chậm khiến doanh nghiệp gặp khó khi xuất khẩu ở những thị trường khó tính.
Để tăng tốc, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường mới. Họ cũng đề nghị bộ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh kiểm định hàng hóa và cấp chứng thư an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu. Với rau quả, doanh nghiệp muốn được đẩy mạnh cung cấp mã và kiểm soát vùng trồng, cơ sở đóng gói chặt hơn để tránh việc mạo danh mã số.