Nguồn: haiquanonline.com.vn
Tăng cả về lượng và giá
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1, dù nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh nhưng xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo, với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường xuất khẩu gạo trong quý 1 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các thị trường khu vực Đông Nam Á (Philippines tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022; Indonesia tăng gấp 180 lần; Singapore tăng 30,7%) mà còn từ các thị trường khu vực Đông Á (Trung Quốc tăng gần gấp 2 lần; Đài Loan tăng gấp 3 lần).
Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt hơn 157 nghìn tấn, chiếm 8,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32 nghìn tấn, tăng trưởng tốt gần 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt là khu vực EU (ưa chuộng các dòng gạo thơm -ST, chất lượng cao) vẫn tiếp tục có tăng trưởng mạnh mẽ như: Hà Lan (đạt 4,6 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022); Ba Lan (đạt 1,5 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần); Bỉ (đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 58,5%). Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Đáng chú ý, nếu như trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu thường ghi nhận sự tăng trưởng từ khối lượng thì trong thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức đỉnh của hơn hai năm do nguồn cung khan hiếm, cùng với việc nhiều thị trường lo ngại về khả năng sản lượng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Nhờ đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã được chào bán ở mức trung bình 498 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam những tuần đầu tháng 6/2023 đạt khoảng 498 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 USD/tấn và 453 USD/tấn. Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt khoảng hơn 24 triệu tấn. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Phát triển theo hướng chuỗi ngành hàng kinh tế
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhu cầu của các thị trường như Philippines, châu Phi và nhiều nước khác cũng đang tăng cao khi phải tích cực bổ sung kho dự trữ lương thực trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn kinh tế và chính trị. Ngoài ra, nhiều dự báo cho thấy biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp ở nhiều quốc gia như EL Nino có thể xảy ra gây hạn hán vào giữa năm ở Indonesia, sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất lương thực trong thời gian tới nên các nước đang tăng mua bổ sung kho dự trữ. Nguồn cung hạn chế trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục tăng mạnh đã giúp cho xuất khẩu gạo Việt năm 2023 sôi động ngay từ đầu năm. Đặc biệt, giá gạo có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đã vượt nguồn cung, trong khi đó tồn kho gạo toàn cầu liên tục giảm trong thời gian gần đây. Dự báo tình hình thị trường nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp cho biết, những thị trường vốn được coi là khó tính và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông đang tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Trong 6 tháng cuối năm, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực sẽ giúp xuất khẩu gạo Việt Nam kéo dài đà tăng trưởng.
Nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gạo, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược). Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA); gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường các nước phát triển. Theo đó, đến năm 2030, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ được nâng cao giá trị, đồng thời, giảm khối lượng xuất khẩu còn 4 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu tương đương khoảng 2,62 tỉ USD.
Đồng thời, gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất lấy sản lượng làm mục tiêu và thực hiện mọi giải pháp để tăng sản lượng, nhưng điều đó không đồng nghĩa giúp người dân tăng thu nhập, thậm chí ngược lại. Để đạt được mục tiêu trên, sản xuất lúa gạo phải trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế, bởi sẽ đến lúc, sản lượng giảm xuống, diện tích thu hẹp, nên phải tăng về chất và giá trị. “Mục tiêu của ngành lúa gạo phải đi theo hướng đó, tức là phải tổ chức lại một hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia đầy đủ, từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, các hợp tác xã, tới người nông dân rồi chính quyền địa phương để phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.