Nguồn: vnexpress.net
Những cơn mưa xối xả do ảnh hưởng của bão Doksuri tấn công miền bắc Trung Quốc từ cuối tháng 7, khiến hơn một triệu người phải sơ tán và ít nhất 30 người thiệt mạng ở ngoại ô Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc lân cận.
Khi bão di chuyển về phía bắc, Trung Quốc tiếp tục sơ tán 18.000 người ở thành phố Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm. 14 người thiệt mạng ở khu vực này ngày 6/8, trong đó có Phó thị trưởng thành phố Thư Lan, người bị nước lũ cuốn trôi khi đi cứu hộ.
Tại tỉnh Hắc Long Giang, các con sông tưới tiêu cho vùng đất nông nghiệp màu mỡ này đã tràn bờ, nhấn chìm nhiều cánh đồng lúa, phá hủy nhà kính trồng rau và làm hư hại nhiều nhà máy.
Mưa lũ nhấn chìm đồng ruộng ở Thư Lan ngày 4/8. Ảnh: AP
Trên toàn tỉnh, 25 con sông đã vượt mức cảnh báo và có nguy cơ vỡ bờ, theo chính quyền Hắc Long Giang. Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 6/8 nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt lên cấp III trong thang cảnh báo 4 cấp với tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang.
Hơn 162.000 người ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đã phải sơ tán, trong khi hơn 90.000 ha cây trồng thiệt hại vì lũ. Tại khu vực Thượng Chí thuộc Cáp Nhĩ Tân, hơn 42.000 ha cây trồng bị phá hủy trong trận mưa bão nghiêm trọng nhất mà địa phương này từng đối mặt trong hơn 60 năm qua.
Nhiều làng xóm và vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn ở Vũ Xương, thành phố sản xuất lúa gạo lớn ở Hắc Long Giang, cũng bị ngập lụt.
Tình trạng ngập lụt đất nông nghiệp làm gia tăng lo ngại về những tác động tiềm tàng tới an ninh lương thực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh các sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu đang gây thách thức lớn đối với nguồn cung cấp thực phẩm và nông nghiệp của Trung Quốc.
Ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh được gọi là vựa lúa của Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 1/5 sản lượng ngũ cốc cả nước, nhờ vùng đất phù sa màu mỡ. Các loại cây trồng chính ở khu vực này là đậu tương, ngô và gạo.
Cánh đồng ngô chìm trong nước lũ ở thành phố Thư Bích, tỉnh Hà Nam, ngày 5/8. Ảnh: Nurphoto
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cảnh báo mưa bão do tác động của bão Khanun và Doksuri sẽ "tác động nghiêm trọng" tới sản xuất nông nghiệp của nước này.
Trước đó, những trận mưa lớn hồi cuối tháng 5 gây ngập lụt ở tỉnh Hà Nam, vùng ngũ cốc lớn khác của Trung Quốc, nơi sản xuất 1/3 sản lượng lúa mì cả nước. Chính quyền Hà Nam cho hay đó là đợt mưa gây hậu quả nghiêm trọng nhất cho sản xuất lúa mì trong thập kỷ qua.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, mưa lớn xảy ra ngay trước vụ thu hoạch khiến sản lượng lúa mì vụ hè của Trung Quốc năm nay giảm 0,9%, mức giảm đầu tiên trong 7 năm qua.
Các đợt nắng nóng sau tháng 5 thiêu đốt miền bắc Trung Quốc. Nhiệt độ kỷ lục hồi tháng 6 gây hạn hán, ảnh hưởng sự phát triển của các loại cây trồng như ngô và đậu tương, theo Cục Khí tượng Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, những đợt thiên tai liên tiếp nhiều khả năng sẽ tác động lên giá lương thực vốn tương đối ổn định trong những tháng gần đây của Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc đã bỏ thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Thuế này được áp đặt từ năm 2020, khi căng thẳng ngoại giao giữa hai nước leo thang.
Lực lượng cứu hộ đưa người dân lên xuồng ở Cáp Nhĩ Tân ngày 5/8. Ảnh: VCG
Mùa hè năm 2022, Trung Quốc trải qua các đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng, gây tình trạng thiếu điện diện rộng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm, công nghiệp.
Kể từ đó, Bắc Kinh tăng cường tập trung củng cố an ninh lương thực. Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nông nghiệp là nền tảng an ninh quốc gia.
"Một khi nông nghiệp gặp vấn đề, bát cơm của chúng ta sẽ nằm trong tay người khác và chúng ta phải phụ thuộc cơm ăn vào người khác. Làm thế nào chúng ta có thể đạt được mục tiêu hiện đại hóa nếu rơi vào tình trạng đó?" ông nói trong bài xã luận xuất bản hồi tháng 3 trên Cầu Thị, tạp chí lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.