Nguyên nhân sụt giảm kim ngạch một phần là do lạm phát tại Mỹ vẫn cao, kéo theo đó là tình trạng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường của người tiêu dùng Mỹ.
Thị trường tiêu thụ cà-phê, thủy sản hàng đầu hàng thế giới
Cùng với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ là thị trường tiêu thụ cà-phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu cà-phê của Mỹ giảm 10,2% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so cùng kỳ năm 2022, đạt 617,1 nghìn tấn, trị giá 3,46 tỷ USD.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn tăng nhập khẩu cà-phê từ Việt Nam với mức tăng 41,3% về lượng và tăng 35% về trị giá, đạt 80,76 nghìn tấn, trị giá 182,62 triệu USD. Thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ chiếm 5,28% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, chênh lệch giá ngày càng lớn giữa cà-phê Arabica và cà-phê Robusta, giữa cà-phê Robusta của Việt Nam với các nước sản xuất khác sẽ là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ trong niên vụ mới.
Đối với mặt hàng thủy sản, các tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 thế giới.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt trị giá 10,576 tỷ USD, giảm 22,6% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho Mỹ.
Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ giảm từ 9,7% về lượng và 7,1% về trị giá trong 5 tháng đầu năm 2022 xuống còn 8,83% về lượng và 5,31% về trị giá trong 5 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ sẽ khả quan hơn do tồn kho đang giảm có thể thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu của Mỹ trong những tháng tới, nhất là các sản phẩm tôm đã qua chế biến.
Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu rau quả, hạt điều
Riêng mặt hàng rau quả, nhập khẩu của Mỹ có xu hướng tăng trong thời gian qua. Cụ thể, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 24,1 tỷ USD, tăng 3,1% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Việt Nam có xu hướng giảm.
Với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả hơn 46 tỷ USD/năm, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường này vẫn chưa được như kỳ vọng, do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Mỹ quá xa nên nếu đưa trái cây tươi vào Mỹ thì cần công nghệ bảo quản dài ngày.
Mặt khác, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hiện mới hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ là chính. Do đó, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cộng đồng khác tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều cơ sở chiếu xạ đáp ứng yêu cầu của Mỹ nên nhiều trái cây phải vận chuyển xa để thực hiện chiếu xạ khiến chi phí vận chuyển đội lên rất nhiều, làm giảm sức cạnh tranh của ngành hàng rau quả. Thí dụ quả vải, muốn xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chuyển từ miền bắc vào miền nam để chiếu xạ, sau đó mới vận chuyển đi.
Thời gian tới, cần giải quyết các vấn đề như: hạ tầng như giao thông, khoa học công nghệ, thương mại điện tử, logistics, công nghệ giống và bảo quản sau thu hoạch… để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào thị trường rộng lớn này.
Ngoài thủy sản, cà-phê, rau quả, thì xuất khẩu điều của Việt Nam vào Mỹ cũng đáng ghi nhận. Mặc dù, 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ giảm mạnh nhập khẩu hạt điều từ thế giới, mức giảm 30,7% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 296,6 triệu USD nhưng nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ Việt Nam vẫn đạt gần 255 triệu USD. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ chiếm 86% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Dự báo trong ngắn hạn, ngành điều thế giới vẫn chịu tác động tiêu cực. Nguyên nhân là do nhu cầu dùng hạt điều làm đồ ăn nhẹ, nấu ăn hoặc món tráng miệng sẽ giảm do lạm phát tiêu dùng tăng.
Về dài hạn, khi lạm phát được kiểm soát, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hạt điều sẽ tăng trở lại.
Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 13,48 tỷ USD do nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với các món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe.