Theo Congthuong.vn
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2023 ước giảm mạnh 35% so với nửa đầu tháng 8/2023, đạt 24.362 tấn, và so với cùng kỳ năm 2022 giảm 39%. Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 9 ước đạt 76,76 triệu USD, giảm 30,8% so với nửa đầu tháng 8/2023, và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.
|
Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao |
Lượng dự trữ cà phê của Việt Nam hiện đang rất ít cùng với đó ước tính sản lượng cà phê năm nay có thể giảm đáng kể, chạm mức thấp nhất 4 năm trở lại đây. Điều này dẫn đến tình trạng mặc dù giá cà phê nhân đang ở mức cao nhất 30 năm nhưng giao dịch rất ít và hoạt động xuất khẩu cà phê ở mức hạn chế.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thời gian qua, nhiều nhà vườn chuyển từ trồng cà phê sang trồng cây ăn quả. Ngoài ra, vườn cà phê thâm canh nay cũng được nông dân trồng xen canh cây sầu riêng khiến sản lượng cà phê của nước ta sụt giảm. Uớc tính, sản lượng cà phê năm nay giảm 10-15% do thời tiết không thuận. Đồng thời, do lượng tồn kho còn rất ít nên lượng cà phê xuất khẩu từ tháng 8 đến tháng 10 có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cho đến khi thị trường có nguồn cung cà phê từ vụ thu hoạch mới, lãnh đạo VICOFA cho biết.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,22 triệu tấn, giảm 6,4% về khối lượng nhưng kim ngạch đạt 3,04 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lượng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 9/2023 tiếp tục tăng, đạt 3.151 USD/tấn, tăng 6,3% so với nửa đầu tháng 8/2023, và tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trên các Sở Giao dịch của thị trường thế giới, thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 18 đến 24/9, giá cà phê Arabica dẫn đầu đà giảm của nhóm khi đánh mất 5,03% so với tham chiếu, theo sau là giá Robusta giảm 3,73%. Trong tuần, Arabica chứng kiến 3/5 phiên trong sắc đỏ, Robusta ghi nhận 4/5 phiên. Nguồn cung được đẩy mạnh tại Brazil và sự khởi sắc hàng tồn kho trên Sở ICE đã tạo áp lực kép lên giá.
Tính đến 18/9, nông dân Brazil đã bán được 50% lượng cà phê niên vụ 2023/24, theo công ty tư vấn Sfras&Mercado. Các chuyên gia về cà phê tại Brazil cũng dự đoán hoạt động xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cho đến hết tháng 11 và tháng 8 chưa phải là tháng có lượng cà phê xuất đi cao nhất.
Trong báo cáo khảo sát mùa vụ lần thứ 3, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil ước tính, sản lượng cà phê trong năm 2023 của quốc gia này đạt 54,74 triệu bao, tăng 6,8% so với năm 2022, lực tăng chủ yếu đến từ Arabica, cao hơn năm trước 16,6%.
Bên cạnh đó, việc trái chiều trong điều hướng chính sách tiền tệ tại Mỹ và Brazil đang thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil. Cụ thể, tỷ giá USD/Brazil Real tăng 1,41% trong tuần vừa qua khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho tín hiệu sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt sang năm 2024 và có thể thêm một lần tăng lãi suất trong năm 2023, trong khi Ngân hàng Trung ương Brazil cho biết sẽ có 3 đợt hạ lãi suất.
Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU đã tăng 4.210 tấn trong tuần vừa qua, trong khi tồn kho Arabica trên Sở ICE-US còn nhiều biến động, còn 15.391 bao đang chờ phân loại để bổ sung.
MXV cho biết trong tuần này, sự chú ý của thị trường quay về với dữ liệu tồn kho trên Sở Giao dịch hàng hóa liên lục địa (ICE). Tồn kho Robusta và Arabica đều đang có sự cải thiện và sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến giá trong bối cảnh xuất khẩu của Brazil đang được đẩy mạnh.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm nhẹ 200 đồng/kg so với ngày trước đó, xuống mức 66.100 - 66.800 đồng/kg. So với một tuần trước đó, giá cà phê thu mua trong nước đã giảm mạnh 800 - 1.100 đồng/kg. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá rất cao của cà phê Việt.