Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin cà phê tháng 2/2007 - VCF
04 | 09 | 2007
Giá cà phê trên thị trường thế giới đồng loạt tăng trở lại. Do được giá, xuất khẩu cà phê trong tháng 12/2006 đã tăng rất mạnh so với tháng 11/2006 và so với cùng kỳ năm 2005.

Thị trường thế giới

Đầu tháng 02/2007, giá cà phê trên thị trường thế giới đồng loạt tăng nhẹ. Trên thị trường London, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 3/2007 đạt 1.644 USD/tấn, tăng trên 4% so với thời điểm cuối tháng 01/2007 và tăng tới trên 30% so với cùng kỳ năm 2006. Trên thị trường London, cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 3/2007 cũng tăng nhẹ trở lại, đạt 118,75 UScent/lb, tăng trên 2% so với cuối tháng 01/2007 và tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2006. Như vậy, đúng như dự báo của Trung tâm Thông tin, do nguồn cung cà phê toàn cầu còn hạn hẹp nên giá cà phê sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao trong năm 2007.

Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), trong tháng 12/2006, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 8,4 triệu bao (60kg/bao), tăng 16% so với cùng kỳ năm 2005. Như vậy, trong năm 2006, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 91,62 triệu bao, tăng 5% so với năm 2005. Cũng theo ICO, quí I niên vụ 2006/07, lượng cà phê arabica và robusta xuất khẩu lần lượt đạt 15,4 triệu bao và 7,98 triệu bao, tăng 19,47% và tăng 19,64% so với cùng kỳ niên vụ 2005/06. Thực tế cho thấy, mặc dù nguồn cung hạn hẹp nhưng do giá xuất khẩu luôn đứng ở mức cao như hiện nay nên lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu mới tăng mạnh trong quí I niên vụ 2006/07.

Thị trường trong nước

Cùng với những diễn biến trên thị trường cà phê robusta thế giới, đầu tháng 02/2006, cà phê robusta loại II của nước ta được giao bán với giá 1.430 - 1.440 USD/tấn, tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 12/2006 và tăng tới trên 20% so với cùng kỳ năm 2006. Giá cà phê xuất khẩu trung bình tại thời điểm này đạt trên 1.420 USD/tấn, tăng trên 10 USD/tấn so với tháng 12/2006.

Theo số liệu Hải quan, xuất khẩu cà phê của nước ta tăng mạnh trong tháng 12/2006, đạt 184,01 nghìn tấn cà phê với trị giá đạt 258,08 triệu USD, tăng 116,31% về lượng và tăng 113,2% về trị giá so với tháng 11/2006; tăng 138,02% về lượng và tăng tới 233,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2005. Như vậy, trong năm 2006, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 980,87 nghìn tấn với trị giá 1,21 tỷ USD, tăng 9,92% về lượng và tăng tới 65,49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2005. Ước tính, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 01/2007 đạt 150 ngàn tấn với kim ngạch 210 triệu USD, tăng 85% về lượng và tăng 136% về trị giá so với cùng kỳ năm 2006.

Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục được duy trì ở mức rất cao, đạt trên 1.400 USD/tấn, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2005. Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong năm 2005 đạt 1.240 USD/tấn, tăng trên 50% so với năm 2005 và tăng tới trên 80% so với năm 2004

Trong tháng 12/2006, xuất khẩu cà phê của nước ta tăng mạnh tại hầu hết các thị trường. Trong số đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, đạt 29,5 nghìn tấn với trị giá 51,46 triệu USD, tăng 108% về lượng so với cùng kỳ năm 2005 và tăng tới 87% so với tháng 11/2005. bên cạnh đó, trong tháng 12/2006, xuất khẩu cà phê của nước ta sang các thị trường như Tây Ban Nha, Italia, Thụy Sĩ, Anh và Nhật Bản tăng rất mạnh so với tháng 11/2006, lần lượt đạt 120,34%; 233,98%; 147,87%.

Trong năm 2006, Đức vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, đạt 150,66 nghìn tấn, tăng 192,67 triệu USD, tăng tới 153% về trị giá so với năm 2005. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Mỹ và Tây Ban Nha. Trong năm 2006, xuất khẩu cà phê của nước ta tăng mạnh sang nhiều thị trường như : Đức, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaixia, Nga..., trong đó thị trường Malaixia và Nga lần lượt tăng tới 128% và 571% so với năm 2005.

Ngược lại, trong năm 2006, xuất khẩu cà phê của nước ta sang một số thị trường như: Italia, Anh, Pháp, Bỉ giảm nhẹ so với năm 2005. Và giảm mạnh tại các thị trường : Pháp, Philippine, Autralia, Ấn Độ...

Tin tham khảo

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng cuối năm 2006 và cả tháng 01/2007 chậm lại đáng kể chính là những dấu hiệu cảnh báo đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta trong năm nay cho dù các điều kiện đối với hoạt động xuất khẩu đang khá thuận lợi như nền kinh tế nước ta đã gia nhập WTO, hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản, EU... vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh với hầu hết các mặt hàng đều được nhập về nhiều. Do nhiều mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế theo lộ trình sau khi nước ta đã gia nhập WTO, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng là máy móc, thiết bị và nguyên liệu để phục vụ cho đầu tư và sản xuất trong nước là rất lớn, dự báo nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng tới.

Đúng như dự đoán, sau khi tạm thời giảm nhiệt ở 2 phiên cuối tuần trước, tuần qua thị trường chứng khoán đã tăng nóng trở lại, VNIndex lập mức cao kỷ lục mới là 1074,55 điểm, tăng tới 10,23%. Trong đó, hầu hết các CP blue-chip đều tăng mạnh, giá trị giao dịch cũng tăng mạnh. Như vậy, mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng nóng. Với việc một lượng vốn lớn vẫn tiếp tục được đổ vào thị trường và tâm lý lạc quan, kỳ vọng của các nhà đầu tư, dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng trong một thời gian ngắn.

Theo Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP), bắt đầu từ sau ngày 03/02/2007, khi kê khai hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp cần phải trích dẫn mã số theo biểu thuế 2007. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải hết sức lưu ý trong kê khai mã số thuế của hàng hóa. Doanh nghiệp nên cùng với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đối chiếu với biểu thuế 2007 để xác định xem mã số thuế có thay đổi so với năm 2006 hay không để tránh chậm trễ thông quan tại các cửa khẩu của Hoa Kỳ.



Nguồn : Bộ thương mại)
Báo cáo phân tích thị trường