Nguồn: bnews.vn
Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng không chỉ giới hạn trong một vài thị trường ngách nhỏ, ở phân khúc cao cấp mà là yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Những quy định, chính sách về xanh hóa của EU đã ra “luật chơi” mới với đối tác thương mại đầu tư; trong đó, có Việt Nam. Vì vậy, để xuất khẩu bền vững, đáp ứng quy chuẩn của thị trường chủ chốt, các chuyên gia cho rằng cần những giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị. Ở một góc độ khác, việc thích ứng với thách thức mới không chỉ duy trì khả năng cạnh tranh mà sẽ mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro về thị trường.
Ông Ngô Chung Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sau 3 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) cho thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam EU đã trở thành hiện thực.
Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, lợi thế từ thực thi EVFTA đã giúp trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi liên tục tăng cao.
Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững… với hàng hóa nhập khẩu gọi chung là các “tiêu chuẩn xanh”.
Đây không chỉ là thách thức đối với doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU mà cả những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm tại thị trường này. Bởi các tiêu chuẩn vốn đã quen thuộc đang dần được thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn, xanh hơn. Do đó, để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững.
Ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ, người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và các công ty tập trung và đầu tư nhiều hơn vào logistics xanh. Do đó, Việt Nam đối mặt với thách thức kép khi không chỉ phải tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn phải chuyển đổi mô hình thành chuỗi cung ứng xanh.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Jean Jacques Bouflet cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn; đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển và cải tiến hạ tầng; nâng cao năng lực logistics - đào tạo nguồn nhân lực…
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, trong năm 2022, nhiều loại nông sản của Việt Nam như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.
Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng trong top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo…Đặc biệt, rau quả là một trong những điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu và nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD trong năm 2023. Thế nhưng, nông sản đang đối mặt với nhiều thách thức như giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.
Cuối tháng 6/2023, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR) khiến các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa bán ra không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.
Cùng đó, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. Ngoài ra, EU cũng nêu rõ nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.
Thực tế, nhiều ngành của Việt Nam đã, đang thực hiện xanh hoá và nhiều quy định của EU đã đang được thực hiện. Khảo sát nhanh cho thấy, gần 70% doanh nghiệp Việt Nam đã biết về “chương trình từ nông trại đến bàn ăn” của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với sản phẩm nông sản thực phẩm. Cùng đó, gần 80% doanh nghiệp có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU, gần 60% doanh nghiệp may biết đến Chiến lược dệt may của EU…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay, dù chưa có thông tin đầy đủ về việc doanh nghiệp Việt Nam đang thích ứng hay đang sẵn sàng ở mức độ nào với việc tuân thủ tiêu chuẩn xanh hay yêu cầu về bền vững của EU nhưng chuyển đổi xanh là một quá trình, được thực hiện theo lộ trình từng bước để doanh nghiệp thích ứng từ từ. Do đó, đây chính là cơ sở để doanh nghiệp có lộ trình thích ứng từ biết đến hành động và có sự chuẩn bị.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ, tới đây Tập đoàn sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất xanh; phát triển sản phẩm mới có sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế. Đặc biệt, Vinatex với mô hình Tập đoàn gồm nhiều đơn vị thành viên cần tập trung vào giải pháp phát huy tối đa sức mạnh tổng thể, tái cấu trúc để đáp ứng linh hoạt hơn với xu hướng thị trường, coi đó là điều kiện tiên quyết để tiếp tục phát triển và cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để có thể đưa hàng hóa Việt Nam vượt qua “rào cản xanh” đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nhiều bên liên quan, vì đây là xu hướng tiêu dùng tất yếu của thị trường trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Hiện tại, Bộ Công Thương đã có chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ và đã phân công cho các đơn vị thuộc Bộ làm việc này.
Theo bà Lê Việt Nga, Bộ Công Thương là một trong những đơn vị tiên phong về tiêu dùng xanh và đã có hơn 10 năm làm chuyển đổi nhiên liệu sinh học xăng E5. Hơn nữa, ngành công thương cũng tiếp cận sớm và nhanh nhất, đặc biệt là trong nhóm ngành hàng tiêu dùng. Do đó, Bộ Công Thương hy vọng cùng các bộ, ngành khác đồng hành, hỗ trợ để tổ chức được hệ thống phân phối với tỷ lệ sản phẩm xanh ngày càng tăng trên thị trường.
Thứ trưởngBộ Công ThươngĐỗ Thắng Hải khẳng định, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các thị trường có thế mạnh xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…Đồng thời, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao sau dịch COVID -19 khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá tại thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sụt giảm. Vì vậy, Bộ Công Thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của thị trường lớn đang xuất khẩu để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ để có phản ứng chính sách phù hợp.
Cùng đó, Bộ tăng cường và đổi mới về xúc tiến thương mại hướng đến thị trường mới, nhiều tiềm năng; tuyên truyền, phố biến và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, những ưu đãi trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là thị trường đang có kim ngạch xuất khẩu lớn... để doanh nghiệp kịp thời ứng phó.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc triển khai hoạt động Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Outsourcing) từ ngày 13-15/9 vừa qua tại Tp. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. Qua đó, các tập đoàn lớn của quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam đã gặp mặt trực tiếp và kết quả bước đầu hết sức khả quan, nhiều hợp đồng đã được ký kết, nhiều giao dịch được đưa ra. Đây là biện pháp hết sức thiết thực, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ 120 doanh nghiệp tham gia Hội chợ ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO) tại Nam Ninh, Trung Quốc, đưa khu gian hàng Việt Nam lớn thư 2 Hội chợ (chỉ sau chủ nhà Trung Quốc); hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án xuất khẩu chính ngạch.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động về kinh doanh; trong đó, có hoạt động xuất khẩu” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh./.