Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thị trường sản phẩm gỗ Việt Nam hợp pháp và bền vững
22 | 04 | 2008
Các lô hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất sang các nước đều phải thỏa mãn các tiêu chí nghiêm ngặt, phải có chứng chỉ rừng FSC, phải có ISO về quản lý chất lượng, môi trường.
Tại Hà Nội vừa diễn ra Hội nghị bàn tròn giữa Ủy ban Châu Âu EC và Việt Nam về nhu cầu thị trường các sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững giúp Việt Nam nhanh chóng tham gia vào Kế hoạch hành động của EC về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại gỗ gọi tắt là FLEGT…

Các nước châu Âu đã đưa ra kế hoạch hành động FLEGT từ năm 2004, nhằm xóa bỏ nguồn gỗ bất hợp pháp trong thương mại song phương, thông qua cải cách quản lý nhà nước về lâm nghiệp, cải thiện tính minh bạch, nâng cao năng lực thông tin. Một hoạt động quan trọng trong kế hoạch hành động này là việc xây dựng một hệ thống chứng nhận cho sản phẩm gỗ hợp pháp. Hệ thống này được xay dựng trên các hiệp định đối tác tình nghuyện giữa các nước Châu Âu và các nước xuất khẩu gỗ nhằm xóa bỏ khai thác bất hợp pháp.

Kế hoạch này đang được mở rộng ở nhiều nước như Nam Phi, các nước ở Đông Nam Á và một số nước ở châu Mỹ… những nơi chiếm đến 60% sản phẩm gỗ thương mại trên thế giới.

Thời gian qua, EC đã thông qua ngân sách hỗ trợ giúp nhiều nước thực hiện kế hoạch FLEGT, trong đó EC có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam khoảng 23 – 30 triệu USD.

Ông Flip van Helden (Ủy ban châu Âu - EC) cho biết: “Khai thác gỗ bất hợp pháp sẽ làm mất đi nguồn tài nguyên của quốc gia một cách nhanh chóng. Và nếu không có sự kiểm soát thì dần dần chúng ta sẽ không có nguồn gỗ cung cấp cho thị trường. Các nước xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ cần phải có chính sách phát triển lâm nghiệp một cách bền vững, có bước trung gian giúp các nhà sản xuất gia tăng kiểm soát trong việc khai thác tài nguyên rừng. Đây không chỉ là trách nhiệm của các nước khai thác mà còn từ các nước nhập khẩu. Các nước châu Âu đã đưa ra những biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề gỗ không có xuất xứ, và sẽ không cho các nước không thực hiện tốt mở rộng thị trường tại châu Âu”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu thập số liệu thống kê một cách đầy đủ về lượng gỗ khai thác hợp pháp và bất hợp pháp. Tuy nhiều vụ vi phạm đã bị phát hiện và xử lý thế nhưng số lượng này ít hơn nhiều so với thực tế.

Biện pháp mà WB đang thực hiện để giúp Việt Nam nhanh chóng tham gia kế hoạch FLEGT là giúp Việt Nam thu thập thông tin về khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên rừng một cách chính xác, ví dụ như: Cung cấp cho Hải quan Việt Nam số liệu chính xác lượng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam là bao nhiêu, từ những nước nào, nguồn nào; Hợp tác với Cục Lâm nhiệp, Cục Kiểm lâm, lực lượng công an, tư vấn và giúp những cơ quan này kiểm soát và giải quyết những vấn đề thương mại lâm sản tốt hơn.

Ross Hugesh (WB) cho rằng: Việc xã hội hóa phát triển lâm nghiệp khiến trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng của Việt Nam bị phân chia nhỏ lẻ. Việc phân cấp quản lý rừng tới xã, bản làng trong khi đầu tư chưa đầy đủ khiến việc quản lý và kiểm soát rừng rất phức tạp..., đồng thời tạo cơ hội cho tội phạm lâm nghiệp. Bên cạnh đó Việt Nam cũng cần phải thực hiện nhiều hơn nữa các biện pháp quản lý và giám sát, ngăn ngừa tình trạng các cán bộ quan chức địa phương vì lợi nhuận mà liên kết với lâm tặc, làm ngơ trước các vụ việc khai thác rừng bất hợp pháp.

Hiện nay mặc dù nước ta chưa tham gia kế hoạch FLEGT của EC nhưng việc thực hiện các nguyên tắc quốc tế về xuất xứ gỗ của Việt Nam rất nghiêm túc. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm 2007 khoảng 2,4 tỷ USD, trong đó 80% là sang các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ. Đây là những thị trường khó tính và luật lệ rất chặt chẽ, thế nhưng lại không có lô hàng nào trả lại. Trong 5 năm gần đây một số lô hàng của Việt Nam bị trả về chỉ là do vi phạm an toàn vệ sinh môi trường.

"Doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài còn sang tận nơi để kiểm tra cơ sở sản xuất của chúng ta về ánh sáng, đèn... Nếu không đạt được các tiêu chuẩn khắt khe này thì không thể xuất khẩu được”- ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam khẳng định.

Trong thời gian tới Việt Nam và EC sẽ có nhiều cuộc đối thoại để Việt Nam nhanh chóng tham gia vào Kế hoạch hành động của EC về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại gỗ. Đây là một yếu tố quan trọng giúp thị trường gỗ của Việt Nam được thế giới công nhận là hợp pháp và bền vững./.




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường