Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FLEGT - yếu tố quan trọng giúp sản phẩm gỗ Việt Nam hướng tới sự bền vững
12 | 05 | 2008
Đồ gỗ của Việt Nam xuất sang các nước đều phải thoả mãn các tiêu chí nghiêm ngặt, phải có chứng chỉ rừng FSC, phải có ISO về quản lý chất lượng, môi trường. Hội nghị bàn tròn giữa Uỷ ban Châu Âu EC và Việt Nam về nhu cầu thị trường các sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững giúp Việt Nam nhanh chóng tham gia vào Kế hoạch hành động của EC về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại gỗ (FLEGT)... đã diễn ra tại Hà nội.
Các nước châu Âu đã đưa ra kế hoạch hành động FLEGT từ năm 2004, nhằm xoá bỏ nguồn gỗ bất hợp pháp trong thương mại song phương, thông qua cải cách quản lý nhà nước về lâm nghiệp, cải thiện tính minh bạch, nâng cao năng lực thông tin. Một hoạt động quan trọng trong kế hoạch hành động này là việc xây dựng một hệ thống chứng nhận cho sản phẩm gỗ hợp pháp. Hệ thống này được xây dựng trên các hiệp định đối tác tình nguyện giữa các nước châu Âu và các nước xuất khẩu gỗ nhằm xoá bỏ khai thác bất hợp pháp. Kế hoạch này đang được mở rộng ở nhiều nước như Nam Phi, các nước ở Đông Nam Á và một số nước ở châu Mỹ... những nơi chiếm đến 60% sản phẩm gỗ thương mại trên thế giới.

Thời gian qua, EC đã thông quan ngân sách hỗ trợ giúp nhiều nước thực hiện kế hoạch FLEGT, trong đó EC có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam khaỏng 23-30 triệu USD.

Biện pháp mà WB đang thực hiện để giúp Việt Nam nhanh chóng tham gia kế hoạch FLEGT là giúp Việt Nam thu thập thông tin về khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên rừng một cách chính xác.

Hiện nay, mặc dù Việt Nam chưa tham gia kế hoạch FLEGT của EC nhưng việc thực hiện các nguyên tắc quốc tế về xuất xứ gỗ của Việt Nam rất nghiêm túc. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm 2007 đạt 2,4 tỷ USD, trong đó 80% là sang các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ. Đây là những thị trường khó tính và luật lệ rất chặt chẽ, thế nhưng lại không có lô hàng nào trả lại. Trong 5 năm gần đây một số lô hàng của Việt Nam bị trả về chỉ là do vi phạm an toàn vệ sinh môi trường.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài còn sang tận nơi để kiểm tra cơ sở sản xuất của chúng ta về ánh sáng, đèn... Nếu không đạt được các tiêu chuẩn khắt khe này thì không thể xuất khẩu được.

Trong thời gian tới, Việt Nam và EC sẽ có nhiều cuộc đối thoại để Việt Nam nhanh chóng tham gia vào Kế hoạch hành động của EC về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại gỗ. Đây là một yếu tố quan trọng giúp thị trường gỗ của Việt Nam được thế giới công nhận là hợp pháp và bền vững.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường