Nhà xuất khẩu bị rủi ro cao
Ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong thập kỷ qua đã phát triển mạnh mẽ tạo ra nhiều việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ từ năm 2000-2010 của nước ta tăng gấp 10 lần và đạt khoảng 3,44 tỷ USD vào năm 2010; sản phẩm chế biến từ gỗ của Việt Nam đã đến được với nhiều quốc gia trên thế giới.
Đồ gỗ của nước ta đang được xuất ra rất nhiều nước trên thế giới trong đó Hoa Kỳ được coi là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn chiếm 45%, tiếp đến là EU gần 30%. Tuy nhiên, cả hai thị trường này đang áp dụng những chính sách thương mại mới nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho đồ gỗ nhập khẩu vào nước này từ ngày 1/4/2010 và quy chế mới của Liên minh châu Âu về tính hợp pháp của gỗ sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2013.
Hiện, Việt Nam đã tham gia vào chương trình FLEG của ASEAN ngay sau tuyên bố Bali năm 2001 về chống khai thác gỗ bất hợp pháp và đang tham gia tích cực vào các sáng kiến của quốc tế như FLEGT châu Á và REDD+ nhằm hạn chế khai thác bất hợp pháp, mất và suy thoái rừng qua đó thúc đẩy quản lý bền vững 16,2 triệu ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp.
Ông Hans Farnhammer, Bí thư thứ nhất Trưởng ban Hợp tác Kinh tế (Phái đoàn EU tại Việt Nam) cho biết, không chỉ có EU xây dựng và đưa ra các biện pháp ngăn chặn việc buôn bán gỗ khai thác trái phép. Hiện, đã có Hoa Kỳ sửa đổi luật Lacey, coi việc sử dụng gỗ bất hợp pháp là một tội ác. Nhật Bản cũng đưa ra chính sách mua sắm công và ngành công nghiệp của mình. Ngoài ra các quốc gia khác như Úc, New Zealand, Thụy Sỹ, Na Uy cũng đang theo đuổi các biện pháp để ngăn chặn buôn bán gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp... Điều này đồng nghĩa với việc, các thị trường tiêu thụ đang thay đổi dần trong cách nhập khẩu hàng và Việt Nam cần phải chuẩn bị để thích ứng với điều đó.
Một vấn đề khác cũng đang đặt ra không ít khó khăn cho ngành đó là việc, Việt Nam có 3.400 doanh nghiệp (công suất 200 m3 gỗ tròn thành phẩm/năm) và 600 xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, thu hút khoảng 300.000 lao động, song ngành công nghiệp chế biến gỗ của nước ta lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gỗ nhập khẩu và nhập khẩu từ nhiều quốc gia nên khó kiểm soát tính hợp pháp trong khi chuỗi cung trong nước tương đối phức tạp. Những điều này đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho ngành.
Điều này làm cho Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu có bị rủi ro cao trước những thay đổi của thị trường nếu không có biện pháp kiểm soát về nguồn gốc gỗ.
Kế hoạch thích ứng
Theo ông Hans Farnhammer, có 2 vấn đề cần được đặc biệt chú ý trong những tháng tới đây, đầu tiên là quá trình tham vấn đa bên nhằm hỗ trợ xây dựng một mô hình FLEGT; thứ hai là xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Điều này có nghĩa, một hệ thống để truy xuất và kiểm tra tính hợp pháp của tất cả chuỗi chế biến và sản xuất gỗ/các sản phẩm gỗ (cho mục đích nhập khẩu). Đây là lần đầu tiên EU tiến hành đàm phán VPA với một quốc gia mà vừa là đối tác thương mại và kinh tế quan trọng nhưng cũng là đối tác có ngành công nghiệp chế biến phục thuộc nhiều vào hoạt động nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hứa Đức Nhị cho biết, việc loại trừ nhập khẩu gỗ khai thác bất hợp pháp hoặc gỗ đáng ngờ vào EU, Hoa Kỳ đặt ra không ít thách thức đối với sự tăng trưởng và danh tiếng của ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Ngành chế biến gỗ đang phải đối phó với các vấn đề về hiệu quả, năng suất thấp, môi trường tài chính bất lợi, giờ đây ngành lại phải đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ. Trước tình hình đó, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và thực hiện kế hoạch thích ứng với những quy định mới của thị trường Hoa Kỳ và Eu một cách toàn diện trong đó có đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA trong khuôn khổ của Chương trình tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) với EU.
Bà Nguyễn Tường Vân, Chánh văn phòng thường trực FLEGT và Lacey đưa ra kế hoạch thích ứng với thay đổi thị trường mà cụ thể là cần phải tăng cường hiểu biết, nhận thức; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực thi pháp luật; thúc đẩy quá trình cấp chứng chỉ rừng, CoC; xây dựng qui trình chặt chẽ đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (FLEGT/VPA) với EU.
Theo KTNT