Bứt phá
Liên tục trong 6 năm qua, đồ gỗ là một trong những nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng “nóng”, với mức tăng bình quân từ 28% - 40%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ tăng gấp 10 lần, đã đưa mặt hàng “sinh sau đẻ muộn” của VN đứng vào hàng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực này trong năm 2006 (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan).
Sang năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ VN đã đạt 2,35 tỷ USD, “qua mặt” Thái Lan, Malaysia, nghiễm nhiên vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực và chỉ chịu đứng sau Indonesia.
Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco cho biết, việc sản xuất đồ gỗ của VN hiện nay đã bắt đầu đi theo hướng sản xuất những mặt hàng có giá trị cao. Nếu những năm trước, một bộ bàn ghế có giá trị từ 500 - 600 USD thì hiện nay VN đã sản xuất những bộ bàn ghế có giá từ 1.100 - 1.800 USD/bộ.
Đây là cách đi mới để VN có thể tránh những vụ kiện chống bán phá giá tại một số thị trường cũng như đảm bảo giá trị gia tăng cho các đơn hàng ngày càng cao hơn.
Với kết quả đạt được trong năm 2007, đồ gỗ xuất khẩu đã trở thành một trong những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 5 sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản.
Nhiều cơ hội phát triển
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đang có sự chuyển hướng để sản xuất những đơn hàng có giá trị cao, song so với các thị trường khác, đơn hàng của VN vẫn còn khá thấp. Trong khi đó các nhà nhập khẩu đang có xu hướng tìm kiếm những thị trường có mức giá rẻ. Đây là một trong những cơ hội để ngành chế biến gỗ VN có thể phát triển trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) nhìn nhận, Trung Quốc đang là nước dẫn đầu kim ngạch vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mặt hàng này của Trung Quốc đang bị áp bán phá giá tại Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc đã áp dụng chính sách cắt giảm sự tăng trưởng của ngành này bằng cách đánh thuế xuất khẩu để khuyến khích phát triển công nghệ cao.
Để giảm chi phí, các DN Trung Quốc đã quay sang VN nhập khẩu đồ gỗ với giá rẻ rồi nâng cấp để xuất khẩu sang nước thứ 3. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của VN sang Trung Quốc trong năm 2007 đạt 168,5 triệu USD, tăng tới 79,2% so với năm 2006 chứng minh khá rõ điều này.
Theo tính toán, thị phần đồ gỗ xuất khẩu của VN trên thị trường thế giới đạt khoảng 0,8%. Sản phẩm đồ gỗ VN cũng đã xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung vào 3 thị trường trọng điểm là Mỹ khoảng 41%, EU 28% và Nhật Bản 12,8%.
Ngoài ra, đồ gỗ VN đã không ngừng nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của các nước để đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ nội thất như giường, tủ, bàn ghế sang những thị trường mới như Canada, Đông Âu, Trung Đông, Nga,…
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN dự báo, xuất khẩu đồ gỗ sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, đặc biệt là tại các thị trường chủ lực. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ sẽ tăng bình quân 27,7%, Anh 27%, Hà Lan 12%, Hàn Quốc 10% và Trung Quốc 41%.
Đối mặt nhiều khó khăn
Ngành chế biến gỗ của VN hiện có khoảng 1.600 DN đang hoạt động, trong có 250 DN có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung sản xuất đồ gỗ nội thất, chiếm khoảng 56% tỷ trọng xuất khẩu đồ gỗ của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ trong những tháng đầu năm tuy vẫn khá cao, nhưng 2 tháng gần đây đã bắt đầu có dấu hiệu chựng lại. Việc sản xuất tại nhiều DN đã bắt đầu co cụm lại.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa cho biết, đơn hàng tại nhiều DN đã giảm tới ¼ so với cùng kỳ. Nếu những năm trước, tại thời điểm này hầu hết các DN đã ký đơn hàng cho đến hết năm thì năm nay các DN đã không chủ động được việc này. Ngay cả đơn hàng cho tháng 8 và tháng 9 sắp tới cũng chưa đầy.
Cùng với việc các DN đang gặp khó khăn về tài chính thì giá vận chuyển hiện đã tăng từ 15% - 20%, giá nguyên liệu cũng tăng khá cao so với hồi đầu năm đã đẩy nhiều DN vào tình trạng tạm ngưng xuất khẩu để đàm phán mức giá mới với các đối tác, nhằm tránh lỗ.
Việc xuất khẩu đồ gỗ của VN lâu nay phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ nên khi kinh tế của thị trường này suy giảm thì cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của các DN. Tại một số thị trường khác, như Nhật, tình hình cũng đang “giậm chân tại chỗ”.
Hiện nay ngành xuất khẩu đồ gỗ đã thu hút được 170.000 lao động nhưng cả nước chỉ có 5 trường dạy về lâm nghiệp và duy nhất một trường dạy về chế biến gỗ ở Hà Nam. Thiếu nhân lực, đặc biệt trong những tháng đầu năm đã buộc DN bước vào “cuộc đua” để tìm lao động.
Điều đáng lo ngại hơn cả là nguồn nguyên liệu vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Dù đã xuất được hơn 2 tỷ USD nhưng chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu đến hơn 1 tỷ USD, trong khi đó năng lực tài chính của các DN còn khiêm tốn cho thấy ngành đồ gỗ vẫn phải đi “ăn đong”. Đây chính là lý do khiến giá thành sản phẩm của VN chưa có tính cạnh tranh cao, hoặc để đảm bảo các đơn hàng, các DN buộc phải cắt giảm lợi nhuận.
Về lâu dài, VN cũng đã lập kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng. Nhưng đến thời điểm hiện nay chúng ta mới chỉ trồng được hơn 2 triệu ha. Theo tính toán, để đầu tư cho ngành công nghiệp gỗ, từ nay đến năm 2020 cần khoảng 100.000 tỷ đồng (khoảng gần 7 tỷ USD) và việc trồng mới rừng cũng cần từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Đồ gỗ xuất khẩu của VN đã tìm được vị thế của mình trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để tháo gỡ những rào cản, giúp ngành gỗ có thể đạt được con số 5 tỷ USD trong năm 2010 thì ngay từ bây giờ cần phải có sự vào cuộc của nhiều bên. Bằng không chúng ta sẽ đánh mất những cơ hội.