Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến gỗ: Mạnh nhưng chưa vững
21 | 06 | 2007
Mặc dù năm 2006, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 2 tỷ USD, nhưng trong đó có trên 1 tỷ USD chi phí cho nhập khẩu gỗ nguyên liệu, các phụ kiện, máy móc sử dụng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, còn bàn thân nguồn gỗ trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu

Để duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm hướng xây dựng nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ cho ngành gỗ Việt Nam.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Nguyễn Tôn Quyền, việc phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu chính là yếu điểm lớn nhất của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay. Do không chủ động về nguồn hàng nên các doanh nghiệp này đều phải tuân theo sự trồi sụt của thị trường gỗ thế giới.

Từ "bài toán" nguyên liệu

Cả nước có trên 300 doanh nghiệp thì cũng có chừng đó đầu mối mua hàng, do không tập trung nên số lượng các đơn hàng thường nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời gian giao hàng của đối tác, tốn nhiều công sức, tiền bạc để làm thủ tục hải quan.

Ông Quyền nhẩm tính: trong 700 triệu USD dành để nhập gỗ nguyên liệu nếu chỉ tập trung cho 2-3 đầu mối nhập khẩu chính với số lượng lớn chúng ta có thể tiết kiệm tối thiểu 100 triệu USD. Đó là chưa kể các doanh nghiệp nhỏ thường gặp rủi ro trong giao dịch mua bán vì không thông hiểu luật lệ nước ngoài, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cạnh tranh nguồn nguyên liệu tạo điều kiện cho đối tác nâng giá, gây thiệt hại chung cho cả ngành gỗ.

Vì vậy, việc thành lập 3 trung tâm giao dịch gỗ tại miền Bắc, Trung và Nam là một trong những ưu tiên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh gỗ xem xét, đặt mua các loại gỗ nguyên liệu tại các sàn giao dịch này thay vì tự tìm kiếm nguồn hàng như trước nhằm tiết kiệm chi phí giao dịch. Song về lâu dài, ông Quyền cho rằng việc tạo nguồn nguyên liệu trong nước mới được coi là chiến lược dài hạn để phát triển ngành gỗ.

Hiện Việt Nam có khoảng 1,4 triệu ha rừng trồng sản xuất với trữ lượng 30,6 triệu m3 gỗ, nhưng phần lớn đã được quy hoạch cho ngành chế biến giấy, sợi, ván dăm và gỗ trụ mỏ.Hiện nay, phần lớn diện tích đất rừng còn lại chưa được sử dụng lại nghèo dinh dưỡng, xa nhà máy chế biến, cơ sở hạ tầng yếu kém... nên việc đưa diện tích này vào quy hoạch nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thời gian qua chưa quan tâm đúng mức đến các loại cây có giá trị cao nên dù trữ lượng rừng trồng lớn song lại rất hạn chế trong việc đưa vào chế biến xuất khẩu. Cùng với đó là sự thiếu thống nhất trong quy hoạch mạng lưới chế biến với quy hoạch vùng nguyên liệu.

Ông Quyền cho rằng giải pháp cơ bản để Việt Nam có thể chủ động được nguồn nguyên liệu trong vòng 10-15 năm nữa chính là có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ trực tiếp đầu tư xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu với quy mô hàng chục nghìn ha. Theo định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu giai đoạn 2006-2020, diện tích rừng trồng sản xuất có thể sử dụng cho nguyên liệu gỗ hiện khoảng 720.000 ha, sẽ được khai thác trắng (bình quân 103.000 ha/năm).

Đây là diện tích sẽ được tiếp tục đầu tư, trồng lại bằng những loại cây có năng suất và chất lượng cao hơn. Diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, không có khả năng tái sinh sẽ được chuyển thành rừng phục hồi thâm canh với các loại cây có chu kỳ kinh doanh 15 năm là 105.000 ha.

Như vậy, diện rừng nguyên liệu của ngành gỗ Việt Nam vào khoảng 825.000 ha với những loại cây có thể cho thu hoạch sau 15 năm. Kết hợp với các chương trình trồng rừng quốc gia, đến năm 2020, dự kiến nguồn gỗ trong nước sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu ngành chế biến gỗ trong nước với sản lượng 20 triệu m3/năm.

Lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản khẳng định vấn đề nguyên liệu sẽ là một trong những trọng tâm giải quyết của Hiệp hội thời gian tới bởi nếu tỷ lệ "nội hóa" trong các sản phẩm gỗ xuất khẩu càng cao thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 4-4,2 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2010 càng có nhiều thuận lợi.

Song, không chỉ có vấn đề nguyên liệu mà khắc phục lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ của các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay cũng là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam có thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong thị trường đồ gỗ trị giá 250 tỷ USD của thế giới.

Đến khắc phục sự phát triển tự phát

Hiện nay, tuy số lượng doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam là trên 300 nhưng hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Mặt hàng gỗ của Việt Nam có mặt tại 120 thị trường nhưng chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng giá trị thị trường gỗ trên toàn thế giới. Quy mô làm ăn nhỏ lẻ cũng đẩy nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vào tình trạng "ăn đong từng chuyến hàng". Đây cũng là rào cản lớn nhất cho nhiều doanh nghiệp ngành gỗ khi làm ăn với các đối tác nước ngoài.

Ông Quyền nhận xét, do quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp gỗ rất thiếu vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải vay thương mại tới 80% số vốn để kinh doanh. Số doanh nghiệp có thể đáp ứng những đơn hàng khoảng vài chục triệu USD không phải là nhiều. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp thiếu hẳn một chiến lược phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu dài hạn để tạo niềm tin cho khách hàng. Đặc biệt với quy mô quá nhỏ bé, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với những doanh nghiệp của Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc.

Do hầu hết các doanh nghiệp đều tự tìm kiếm khách hàng nên tình trạng tự giảm giá để giành được đơn hàng là rất phổ biến. Trong khi, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp đã khiến các cơ hội nhận những đơn hàng lớn bị bỏ qua, đa số đều phải qua trung gian nước ngoài để đến được với các nhà phân phối lớn. Sự thiếu kết dính giữa các doanh nghiệp còn làm tăng giá thành sản phẩm do phí vận chuyển từng lô hàng lẻ cao hơn hẳn so với vận chuyển cả một chuyến hàng lớn của nhiều doanh nghiệp.

Phó tổng giám đốc Pisico Bình Định Nguyễn Tấn Bình nhận xét: nếu khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp với các hãng vận chuyển tốt, có được những giải pháp giảm chi phí tối ưu thì kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2006 có thể đạt đến 2,2 tỷ USD.



Nguồn tin: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường