Việc phát triển trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đang trở thành vấn đề cấp thiết được các DN chế biến gỗ đặt ra, vì cho tới nay, nguồn gỗ trong nước không phù hợp với nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và cũng chưa có chứng chỉ FSC; trong khi theo yêu cầu của châu Âu và Mỹ, phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc, muốn giữ vững thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) phải có nguồn nguyên liệu gỗ rõ ràng, đạt chứng chỉ FSC để tạo lợi thế cạnh tranh.
Mặc dù cả nước hiện có 3 triệu ha rừng nhưng nghịch lý là các nhà chế biến, xuất khẩu đồ gỗ trong nước đang phải nhập đến 80% gỗ nguyên liệu. Điều này không chỉ phản ánh sự không ổn định về nguyên liệu mà còn cho thấy giá trị gia tăng của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam không cao, ngành lâm nghiệp chưa phải là kinh tế mũi nhọn…
Trước mắt, các DN vẫn phải tiếp tục nhập khẩu gỗ có chứng nhận FSC và tìm kiếm nguồn gỗ đã được kiểm soát để làm nguyên liệu, tuy nhiên theo ông Đào Ngọc Năm – Cục phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) thì tỉ lệ gỗ nguyên liệu phải nhập khẩu của chúng ta hiện nay đến 80%. Dù rằng trong những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỉ USD/năm, nhưng trong đó ta đã mất đi 1 tỉ USD cho nhập khẩu nguyên liệu. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tương lai sẽ có nguy cơ giảm mạnh khi giá nhập khẩu gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cũng sẽ yếu dần đi do không thể cạnh tranh nổi với những nước trong khu vực có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaixya... Do đó về lâu dài, phải đẩy mạnh trồng rừng và làm chứng nhận FSC cho rừng.
Tất nhiên, không phải đến tận bây giờ ngành gỗ mới nhận ra điều này, từ vài năm trước các doanh nghiệp gỗ đã nhìn thấy xu hướng tiêu dùng của thế giới nên đã sớm hình thành Mạng lưới kinh doanh Lâm sản Việt Nam (VFTN) trực thuộc Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu (GFTN) là một trong những tổ chức giúp các DN chế biến gỗ đạt được tiêu chuẩn FSC và hỗ trợ tìm thị trường. Ban đầu, VFTN chỉ có 7 doanh nghiệp trong nước kết nối với 400 công ty kinh doanh và chế xuất lâm sản ở 30 nước thành viên GFTN, dự kiến sang năm 2012, VFTN sẽ có khoảng 30 thành viên gia nhập. Những doanh nghiệp thuộc mạng lưới này tuyên bố sẵn sàng thu mua tất cả các nguồn gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ FSC trong nước.
Với chứng chỉ FSC, không chỉ các doanh nghiệp chế biến gỗ được hưởng lợi nhờ xuất khẩu mà các chủ rừng cũng có lợi ích lớn. Nếu giá một m3 gỗ keo ở rừng trồng thông thường hiện nay từ 1-1,2 triệu đồng thì tại khu rừng được cấp chứng chỉ FSC, giá gỗ nguyên liệu giao dịch ở mức 90 USD/m3. Quy ra tỉ giá hiện tại giá trị một m3 gỗ đã cao hơn gần gấp đôi. Có thể nói, nếu tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, chúng ta được hưởng đa lợi ích từ rừng: giảm nhập khẩu nguyên liệu gỗ, kim ngạch xuất khẩu tăng, nâng cao mức thu nhập người trồng rừng…
Nhưng cho tới nay, trên địa bàn cả nước mới có khoảng 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó có 9.900 ha vùng nguyên liệu để phục vụ nhà máy giấy của Nhật tại Quy Nhơn, trên 10 ngàn ha là nguyên liệu của Cty giấy Bãi Bằng, chỉ có khoảng chưa đầy 300 ha rừng chứng chỉ FSC thuộc quyền sử dụng của một nhóm hộ tại tỉnh Quảng Trị. Như vậy, hầu hết diện tích rừng có chứng chỉ FSC ở Việt Nam là do các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng gỗ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu và chúng ta hoàn toàn chưa có thị trường gỗ nguyên liệu FSC.
Theo tính toán của các doanh nghiệp VFTN thì chúng ta phải trồng khoảng 8 triệu ha rừng mới đủ 23,1 triệu m3 gỗ nguyên liệu và xuất khẩu được 10 tỷ USD giá trị hàng hóa. Đối chiếu tiêu chuẩn để vào thị trường Mĩ và EU thì 70% diện tích rừng nguyên liệu nói trên phải có chứng chỉ FSC. Đây là mục tiêu vô cùng khó, bởi hiện diện tích rừng chứng chỉ ở VN vẫn chưa đạt tỉ lệ 1%. Chương trình 5 triệu ha rừng đã kết thúc từ năm 2010, hiện Chính phủ vẫn chưa phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia nào về trồng rừng.
Tổng hợp