Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao hạt gạo Việt Nam vẫn long đong?
28 | 08 | 2008
Thời gian gần đây, thị trường nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng gặp rất nhiều biến động khiến đời sống người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề, việc sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn. Bên lề Hội thảo cơ hội đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh mới vừa diễn ra tại Hà Nội, phóng viên KTNT có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn và số phận hạt gạo Việt Nam.
Thưa giáo sư, thời gian vừa qua, thị trường lúa gạo lên xuống thất thường nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của bà con nông dân. Trong đó, nhiều người cho rằng còn thiếu vai trò chỉ đạo của Nhà nước. Giáo sư có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thời gian gần đây luôn luôn gặp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất, do trình độ thấp nên họ chủ yếu sản xuất trên kinh nghiệm cổ truyền cha ông để lại. Ngay cả những nhà khoa học cũng rất tôn trọng kinh nghiệm dân gian, nhưng nếu bà con coi thường, chưa chú trọng khoa học kỹ thuật mới thì họ sẽ luôn phải hứng chịu thiệt hại. Ví dụ, khi sạ lúa không nên bón đạm, urê nhiều nhưng bà con luôn cho rằng: sạ lúa bón phân mới tốt, dẫn đến phải dùng nhiều thuốc trừ sâu. Do đó, môi trường bị thiệt hại, năng suất và giá thành lúa gạo không cao.

Thứ hai, ở nước ta, hệ thống thu mua lúa gạo còn rất hạn chế. Nhà nước thả lỏng còn tư thương thì mặc sức thao túng. Điều đáng nói là chúng ta không thể trách tư thương, bởi nếu không có họ thì không biết ai là người sẽ mua lúa của dân. Tư thương nhỏ phải liên kết với những tư thương lớn hơn, sau đó lại qua tay tư thương xay xát, đánh bóng rồi mới đến doanh nghiệp xuất khẩu nên nông sản sang được tới chợ phải qua quá nhiều công đoạn. Trong khi thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực, chuyển từ bắp, lúa mì sang lúa gạo, thì với cách làm ăn này, người nông dân không được hưởng bao nhiêu trong cuộc khủng hoảng đó. Cái lợi lớn nhất vẫn rơi vào tay thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong chuỗi tiêu thụ này, ta càng thấy rõ vai trò chỉ đạo của Nhà nước, nếu không nhạy bén thì thiệt hại rất lớn. Đơn cử như vụ đình chỉ xuất khẩu gạo vừa qua, lúc giá xuất khẩu 1.000 - 1.200 USD/tấn thì Nhà nước không cho bán vì sợ thiếu gạo mà không phân tích nguyên nhân sâu xa là do bọn đầu cơ tích trữ, đến lúc các nước tăng gia tích trữ lương thực tránh khủng hoảng, nước nào cũng nhiều lúa, nhiều gạo, giá thấp không ai muốn mua thì ta lại muốn bán, đẩy mạnh xuất khẩu. Nghịch lý là ở chỗ đó.

Một số người cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng từ trước đến nay, chỉ thấy gạo Thái Lan trên thị trường nước ngoài chứ không hề thấy gạo do Việt Nam sản xuất, tại sao vậy thưa ông?

Điều đó là sự thực vì cách phân phối, thu mua lúa gạo của chúng ta vẫn rất lạc hậu, chỉ quan tâm tới số lượng mà quên chất lượng. Nhà nước cũng chưa có bộ phận chuyên trách ngó ngàng đến vấn đề này. Chúng ta có Bộ Công Thương nhưng chính bản thân họ cũng không mấy năng nổ trong việc tìm đầu ra cho nông sản và xây dựng thương hiệu cho lúa gạo. Muốn nông sản trong nước có đầu ra bền vững, giá xuất khẩu cao, chúng ta rất cần những doanh nghiệp thật “sừng sỏ”. Chính những doanh nghiệp này sẽ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cho chính họ.

Gạo Việt Nam tại sao chưa có thương hiệu? Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu chính là khâu chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn. Những công ty xuất khẩu gạo thường thu mua gạo của những thương lái ở khắp mọi ngõ ngách ĐBSCL, còn thương lái lại thu mua của những nông dân cá thể ở nhiều cánh đồng khác nhau với nhiều giống lúa khác nhau. Do không có kho chứa nên thương lái mua về là pha trộn lẫn lộn các loại lúa gạo. Với kiểu thu mua, chế biến như vậy, hạt gạo Việt Nam khó có thể đảm bảo chất lượng đồng nhất và phải chấp nhận số phận long đong, nói gì đến chuyện thương hiệu. Và đương nhiên, gạo Việt Nam luôn phải nằm dưới tên của một công ty nào đó ở nước ngoài.

Thưa ông, liệu chúng ta có thể áp dụng hình thức hợp đồng thu mua lúa giữa nông dân và doanh nghiệp?

Điều này rất khó, vì sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn trong tình trạng manh mún, mỗi nhà vài thửa ruộng, vài giống lúa. Ta đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhưng Quyết định này cũng còn nhiều bất cập do không hề có điều kiện ràng buộc giữa 2 bên, không tính đến việc chia lại khoản chênh lệch khi thị trường biến động. Doanh nghiệp cứ ký hợp đồng vô tư bởi thực chất không có gì ràng buộc họ, cuối cùng nông dân lại phá hợp đồng bán cho người khác. Để việc gắn kết bền hơn, người nông dân cần dựa vào một tập thể, cần có vùng nguyên liệu lớn. Khi sự quyết định do tập thể chứ không phải do cá nhân thì chắc chắn cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

Vậy, theo ông chúng ta phải có giải pháp như thế nào để cải thiện tình trạng sản xuất và thu mua lúa gạo như trên?

Chúng ta có thuận lợi lớn là sở hữu vùng đồng bằng đất đai trù phú, cư dân nông nghiệp nhiều kinh nghiệm nhưng những hạn chế trong khâu thu mua, tiêu thụ lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung đang là rào cản lớn khiến nông sản Việt khó trụ vững trên thị trường, thường xuyên bị ép giá. Nông dân có thể nuôi trồng nhiều loại cây con nhưng luôn bị động trong khâu tiêu thụ. Thứ nhất, phía Nhà nước không có bộ phận chức năng xông xáo, hữu hiệu trong việc mở thị trường mới cho nông sản; các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động rất thụ động, thậm chí có nơi còn làm ăn không đàng hoàng, không thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp đồng nên mất uy tín với đối tác. Dĩ nhiên có một số doanh nghiệp năng nổ nhưng số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó, lượng nông sản rất đồ sộ.

Muốn đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo theo hướng bền vững, chúng ta rất cần nhiều nhà kinh doanh nông sản tài giỏi để họ tìm thị trường, tổ chức lại vùng nguyên liệu hợp lý, từ đó, nông dân có hướng sản xuất ổn định, tạo vùng nguyên liệu đồng nhất để doanh nghiệp có những sản phẩm tốt, có thương hiệu.

Phía Nhà nước phải thực hiện vai trò chủ chốt của mình, đó là đề ra chính sách khuyến khích nông dân liên kết lại với nhau để họ cùng sản xuất một giống lúa, áp dụng một phương pháp giao trồng và lịch thời vụ hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học... Đồng thời, phải có cơ chế và khuyến khích thành lập những HTX, tổ hợp tác nhằm tập hợp nông dân, làm sao để họ thấy rằng: nếu không vào HTX là mất quyền lợi. Khi có những tổ hợp tác hay HTX như vậy, doanh nghiệp hay thương lái chỉ cần liên hệ thông qua một đầu mối là HTX để có những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và thu mua với giá có lợi cho nông dân.





Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường