Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu thụ lúa gạo, cá tra ở ĐBSCL: Đưa ra giá sàn và kiểm soát số lượng cá tra xuất khẩu
25 | 08 | 2008
Đây là kiến nghị được đưa ra tại hội nghị giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các doanh nghiệp (DN) chủ chốt trên địa bàn vào ngày 21-8, để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa gạo, cá tra.
Theo Sở Công thương Cần Thơ, Bộ Công thương cần có giải pháp chỉ đạo tích cực để các DN chế biến tăng cường thu mua lượng cá cỡ lớn còn tồn đọng trong dân. Hướng dẫn giá sàn và kiểm soát số lượng cá tra xuất khẩu (chỉ DN chế biến thủy sản mới được xuất khẩu, hạn chế các DN thương mại không đủ năng lực chế biến tham gia xuất khẩu), tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ: giảm giá, gây thiệt hại…

Từ đầu năm đến ngày 21-8, Cần Thơ đã xuất khẩu 313.000 tấn gạo, đạt kim ngạch xuất khẩu 176,7 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ. Về thủy sản, xuất khẩu gần 110.000 tấn, trị giá gần 290 triệu USD. Trong đó, các DN trên địa bàn đã mua 800.000 tấn lúa - riêng trong vụ hè thu, lúa hàng hóa đạt 288.700 tấn.

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh thu mua lúa trong dân, các DN trên địa bàn đã mua 120.000 tấn, hiện còn khoảng 118.700 tấn lúa; tiến độ thu mua khoảng 4.000 tấn lúa/ngày. Riêng cá tra, gần 2 tháng qua, các DN đã mua 22.500 tấn, song lượng cá tra tồn đọng vẫn còn gần 49.000 tấn. Trong đó, cá tra cỡ lớn khoảng 23.000 tấn. Hiện các DN mua 500 tấn cá/ngày. “Nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ lúa và cá tra khó khăn là do khó khăn về thị trường, DN thiếu vốn thu mua dự trữ và cúp điện liên tục gây khó khăn cho DN” – ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong, cho biết.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để tháo gỡ nhưng tốc độ thu mua lúa gạo, cá tra hiện nay còn chậm. Nhiều DN cho rằng, cần phải huy động ngân hàng và phát huy vai trò của nông dân trong trữ lúa. Cụ thể, phía ngân hàng cần tham gia gia hạn, giãn nợ và cho vay mới để nông dân tái sản xuất. Qua đó, nông dân sẽ mạnh dạn trữ lúa tại nhà thay vì trông chờ vào DN. Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, cho rằng: Cách tốt nhất hiện nay để cứu nông dân là ngân hàng phải tiếp tục cho nông dân vay vốn với cơ chế thông thoáng, giảm bớt các thủ tục để “sát hạch” nông dân. Về lâu dài, các bộ hữu quan nên có chương trình phát triển vùng nuôi trồng thủy sản khu vực ĐBSCL. Nên có quy định cấp giấy phép nuôi cá tra – tránh để người dân tự phát đầu tư nuôi, gây mất ổn định vùng nguyên liệu.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường