Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà Mau – Hậu Giang: Nông dân bán lúa chêch lệch 500 đồng/kg?
20 | 08 | 2008
Không có doanh nghiệp “chủ lực” để thu mua, nông dân Cà Mau vẫn bán lúa với giá 5.000đ/kg. Trong khi đó, tại Hậu Giang, Cần Thơ có hàng loạt doanh nghiệp thu mua gạo xuất khẩu nhưng giá lúa vẫn chỉ ở mức 4.500đ/kg!

"Giá lúa đã nhích lên 200 đồng/kg so với cách đây khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ ở mức 4.400 – 4.500 đồng/kg. Trong khi đó, do trên địa bàn chỉ có vài doanh nghiệp mua nên số lượng tiêu thụ chỉ khoảng 15.000 tấn.

Hiện vẫn còn khoảng 280.000 tấn lúa đang nằm trong nhà dân” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết sau khi đi khảo sát thực tế trong dân vào ngày 18-8. Cũng theo ông Đồng, hiện rất nhiều người dân mong muốn doanh nghiệp mua lúa hè thu với giá 5.000 đồng/kg như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo (giá thành sản xuất 3.000 – 3.500 đồng/kg + 40% lợi nhuận, giá lúa phải từ 5.000đ/kg trở lên).

Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã triển khai thu mua lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, do thời tiết liên tục có mưa dầm đã ảnh hưởng đến tiến độ thu mua lúa gạo trong dân. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ở ĐBSCL chỉ mua gạo (theo các chỉ tiêu do các tổng công ty lương thực giao), không thể mua lúa hè thu trực tiếp từ nông dân. Nông dân vẫn phải bán lúa qua nhiều trung gian như thương lái lúa, nhà máy xay xát rồi mới tới tay doanh nghiệp. Việc thu mua lúa gạo qua nhiều trung gian phần nào đã “ghìm” giá lúa ở Hậu Giang. “Khoảng 30% nông dân Hậu Giang có khả năng trữ lúa để chờ doanh nghiệp mua. Trong khi đó, khoảng 70% do nhu cầu thúc bách cần bán lúa” – ông Nguyễn Văn Đồng nhận định. Những “nhu cầu thúc bách” ở đây chính là tiền nợ các chủ đại lý bán phân, thuốc trừ sâu, tiền chi tiêu trong gia đình… 

Trong khi đó, tại Cà Mau hiện giá lúa đạt ngưỡng 5.000 đồng/kg, cao hơn khu vực Hậu Giang 500 đồng/kg. Tuy nhiên, vụ hè thu năm 2008, Cà Mau xuống giống được 36.385 ha (chỉ bằng 1/2 diện tích sản xuất lúa của tỉnh Hậu Giang). Nông dân chỉ mới thu hoạch hơn 1.500 ha, với năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha. Đây là vụ lúa hè thu nông dân Cà Mau trúng mùa, được giá nhất kể từ sau chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp vào năm 2001. Hiện tại, giá lúa ở Cà Mau cao hơn nhiều tỉnh ở ĐBSCL. Giá lúa cao không phải do có doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua; nguyên nhân chính do nhu cầu tiêu dùng tại địa phương mạnh.

Tuy nhiên, nông dân ở đây cho biết, dù lúa hè thu năm nay trúng mùa, được giá, nhưng sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư sản xuất thì lợi nhuận không cao do giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động, thuê cày bừa cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng tăng 2-3 lần so với những năm trước. Nhiều hộ nông dân thu hoạch lúa xong tích trữ lại chờ giá tăng cao mới bán ra, nhằm tăng thêm lợi nhuận, bù chi phí sản xuất đã đầu tư khá lớn.

Tại Cà Mau xuất hiện tình trạng lợi dụng vào mùa thu hoạch đồng loạt, với sản lượng lúa lớn, nông dân bị tư thương ép giá. Trong cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì (ngày 9-8), lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã tỏ ra lạc quan báo cáo giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi nông dân bắt đầu thu hoạch đã có dấu hiệu giá lúa đang giảm. Liệu giá lúa có còn ở ngưỡng 5.000 đồng/kg trong những ngày tới khi nông dân thu hoạch lúa hè thu đông ken? Nhiều nông dân ở Cà Mau đang thắp thỏm lo lắng!

 



Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường