Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mạnh vì gạo và yếu vì gạo
09 | 09 | 2008
Hầu hết những người nông thôn ở lứa tuổi tôi đều đã từng mang những cơn đói khủng khiếp. Cũng chính vì cơn đói ấy mà nhiều lúc đâm ra mê sảng. Cơn mê sảng về một bữa no nê. Không phải một bữa ăn ê chề thịt cá mà một bữa ăn ngập tràn cơm trắng. Hồi nhỏ tôi đã mê thấy mình bị vùi ngập bởi cơm. Một thế giới cơm. Tôi dùng cả hai cánh tay hối hả lùa cơm vào miệng để ăn và vừa ăn vừa khóc vì hạnh phúc và tội nghiệp.
Tuổi thơ chúng tôi là tuổi thơ đói khát. Những cánh đồng quê tôi rộng bát ngát "mỏi cánh cò bay". Nhưng những cơn đói ngày ấy miên man hơn cả những cánh đồng đó. Tôi đã lớn lên bằng tất cả những gì có thể ăn được có trên đất đai làng tôi như rau dại (rau bợ, rau chân vịt, rau chua me, rau thài lài, rau đồng tiền, dọc khoai ngứa, ruột cây đu đủ...), như quả dại (quả mâm xôi, quả vú bò, quả mây, quả lạc tiên, quả gáo, quả gạo, quả đậu dao, quả ngái…), như côn trùng (châu chấu, dế mèn, cóc, nhái, chão chuộc, bọ xít, rắn, thùng lục...). Nghĩa là vì đói mà chúng tôi ăn tất cả những gì có thể ăn được.


Nguồn ảnh: Corbis



Hồi đó, khi nhà có gạo, mẹ tôi nấu phải dùng đấu đong chính xác chứ không được thêm một hạt nào. Bởi vì mẹ tôi biết cơn đói còn kéo dài. Bởi cơn mê sảng của cơm trắng đày đoạ mà tôi thường bốc trộm gạo bỏ thêm vào nồi cơm đang sôi để hôm đó sẽ được ăn thêm cơm. Một nữ thi sỹ người miền Trung kể với tôi nghe một câu chuyện về gạo. Nhà hết gạo, em gái chị vác rá đi vay còn chị đổ nước vào nồi bắc lên bếp nhóm lửa và chờ gạo vay mang về. Nồi nước cứ sôi, sôi mãi. Nước cạn, chị lại đổ thêm vào và cứ thế đun. Cuối cùng nước trong nồi cạn hết mà cô em gái vẫn không về vì không thể nào vay được gạo.

Nông thôn những năm tháng ấy, những người hàng xóm và nhiều lúc anh em ruột thịt trở nên thù hận nhau chỉ vì không cho nhau vay gạo. Gạo lúc đó là sự sống còn của con người. Có những chuyện đau lòng mà tuổi thơ tôi chứng kiến: chuyện ăn trộm gạo. Một cô dâu đã lấy trộm gạo của nhà chồng giấu vào người mang về cho mẹ đẻ bị nhà chống phát hiện. Quần áo chị bị xé rách "để xem mày giấu gạo của nhà tao ở đâu" như lời người mẹ chồng chửi. Một tấm thân loã lồ bị đẩy ngã nằm trên những hạt gạo trắng vung vãi trên nền sân đất là hình ảnh không bao giờ quên được trong tôi.

Lũ trẻ con chúng tôi cũng từng bốc trộm gạo ở nhà mang ra cánh đồng bỏ vào một cái niêu vỡ nấu cơm. Chúng tôi ăn những hạt cơm nửa khê nửa sống nấu trong cái niêu mẻ không vung với những con cua sống xé ra chấm muối ớt. Những bữa ăn như thế, cái hương vị của gạo thấm vào tận đáy cơn mơ của chúng tôi. Ngày ấy, những bát cơm trắng và những hạt muối rang ớt đã trở thành đại tiệc. Ngày ấy, chỉ cần có gạo là có tất cả. Ngày ấy, gạo là quyền lực tối cao. Người ta tự tin vì có gạo. Người ta kiêu hãnh vì có gạo. Người ta bớt đi những đau đớn về tinh thần vì có gạo. Ngày ấy, người ta nói: "Mạnh vì gạo".

Chỉ đến ngày có chính sách đổi mới, những cơn đói mới dần dần đi xa. Người nông dân Việt Nam đi qua bao thăng trầm và hạt gạo cũng thăng trầm như họ. Và cho đến ngày nay, hầu như cơn mê sảng vì một bữa ăn no không còn nữa. Việt Nam đã trở thành một trong những nước có số lượng gạo xuất khẩu lớn trên thế giới. Nhưng một điều nghịch lý về gạo lại bắt đầu xuất hiện. Bắt đầu có những gia đình nông dân xin trả lại ruộng. Người nông dân Việt Nam ngỡ sẽ muôn đời muôn kiếp sống với cây lúa.

Thế mà nay, cây lúa đang trở thành nỗi lo ngại của không ít nông dân. Bởi với số ruộng họ có ngày nay và với giá nông sản hiện thời thì họ có nguy cơ "đói". Vì chính loại cây đã nuôi sống họ trong bao đời nay giờ đây lại là nguyên nhân đẩy họ vào muôn vàn khó khăn. Trước kia có bao nhiêu cót thóc lớn trong nhà là có bấy nhiêu sự minh chứng hùng hồn về "quyền thế" trong gia đình người nông dân. Nhưng ngày nay, "quyền thế" kinh tế của người nông dân không còn là thóc, là gạo nữa. "Quyền thế" của họ cũng giống như người thành phố: nhà cửa xây dựng ra sao? phương tiện sinh hoạt thế nào? con cái học hành đến đâu?... Ngày trước, hai ba tấn thóc trong nhà người nông dân ngự trị như những ngai vàng. Còn ngày nay thì hoàn toàn khác.



Nguồn ảnh - Corbis



Người nông dân ngàn đời nay gắn bó với cây lúa đã bắt đầu nhận ra: nếu chỉ trồng lúa không thôi họ sẽ không bao giờ có cơ hội cải thiện cuộc sống của họ. Họ phải làm một cuộc "cách mạng canh tác" trên chính phần đất. Họ bắt đầu đào ao thả cá, thả tôm, nuôi ba ba hoặc trồng một loại cây khác mang lại hiệu quả cao. Những người nông dân làng tôi mừng rỡ vô cùng khi có một đoàn chuyên gia Pháp về khảo sát để trồng nho. Người Pháp muốn xây dựng một nhà máy sản xuất rượu vang ở đó. Bởi nếu làm được điều đó thì ngày công của họ so với chuyên canh lúa sẽ tăng dăm lần.

Mươi năm trước, đã có những người nông dân nổi giận với sự thay cây lúa bằng một cây hay một con khác. Họ cho như vậy là phản bội lại tổ tiên, ông bà. Nhưng tổ tiên, ông bà không bao giờ muốn các hậu duệ của mình mãi mãi chìm trong nghèo đói và lạc hậu. Bây giờ, có thể nói: toàn bộ nông dân thừa nhận rằng, nếu chỉ có mỗi cây lúa thì họ mãi mãi chỉ là những người không chết đói mà thôi. Họ thèm một cuộc sống giống như nông dân các nước khác: có xe hơi, có lò sưởi, có tiền đi du lịch v.v... Và trước kia họ nói "Mạnh vì gạo" thì bây giờ họ nói: "Yếu vì gạo". Câu nói này nghĩ thật kỹ quả là đúng. Chúng ta chẳng bao giờ bỏ được hạt gạo. Nhưng để người nông dân trở nên giàu mạnh thì họ phải làm nhiều cách. Hơn nữa, lúa gạo ngày nay lại luôn luôn bị những thương lái ép giá. Người nông dân không có tiền mặt vì thế họ phải bán lúa, gạo như “cho không” trang trải biết bao công này việc nọ trong đời sống thường nhật của họ.

Bây giờ, người nông dân vừa trồng lúa vừa lo sợ. Mất mùa cũng lo mà được mùa có khi còn lo hơn. Bởi họ đâu được quyền định giá sản phẩm của họ. Họ chỉ có hy vọng khi Nhà nước có một chính sách bảo hộ giá nông sản như một luật pháp. Nhưng hình như, họ đang đợi điều đó như đợi những cơn mưa trên sa mạc.


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:
http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/5600/index.viet



Báo cáo phân tích thị trường