Anh Lê, chủ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân các công ty may ở quận 12, TP HCM, cho biết cách đây một tháng, loại gạo IR 504 được các đại lý bán với giá 8.000 đồng một kg. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, đại lý nhiều lần báo giảm giá, mỗi lần giảm 800-1.000 đồng, đến nay chỉ còn 5.200 đồng một kg. Chưa hết, có khá nhiều đại lý bỏ mối gạo đến công ty chào hàng với nhiều chương trình ưu đãi khác.
Vừa qua, gạo Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đổ về TP HCM, chủ yếu là loại gạo IR 504 được bán với giá khoảng 250.000 đồng bao 50 kg. Mặc dù đây không phải là loại gạo các gia đình thường dùng nhưng do giá quá rẻ nên nhiều người đổ xô đi mua, có người chỉ là mua về nấu thử. Tình trạng này đã khiến các cửa hàng, đại lý gạo buôn bán ế ẩm, phải hạ giá bán một số loại gạo.
Anh Mỹ, chủ một nhà máy xay xát, bỏ mối gạo tại Hóc Môn, cho biết: "Gạo dẻo cách đây một tuần giá 8.000 đồng, nay giảm còn 6.500 đồng một kg, gạo Hương Lài đặc biệt xuất khẩu hơn 1.000 đồng một kg, nhiều loại gạo khác giảm 500-700 đồng một kg.
Chị Đào, chủ đại lý gạo huyện Củ Chi, cũng cho biết: Khoảng nửa tháng trở lại đây, cứ cách 2-3 ngày, vựa gạo lại báo giá mới. Tùy loại gạo, mức giảm 300-1.000 đồng mỗi kg. Giá giảm mạnh tập trung vào các loại gạo nở mềm, nở xốp. Những loại gạo thơm, cao cấp giá giảm chậm hơn.
Chị Nga, ngụ trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, cho hay: Từ sau đợt sốt gạo hồi cuối tháng 4 đến nay, mỗi tháng đại lý gạo giao hàng tận nhà cho chị đều tính giá loại gạo Hương Lài xuất khẩu 14.000 đồng một ký. Trước đó giá loại gạo này chỉ 8.500 đồng, mua 10 kg trở lên được tặng quà. Tuy nhiên sau đó, khi giá gạo tăng lên gần gấp đôi, khách hàng không chỉ bị cắt quà mà mỗi lần đặt mua số lượng phải 20 kg trở lên, đại lý mới giao.
Theo chị Nga, mới đây, cửa hàng thông báo giảm giá 1.500 đồng một kg đối với loại gạo Hương Lài mà gia đình chị hay dùng. Ngoài ra, mua 20 kg trở lên được tặng kèm 1,5 kg đường cát trắng hoặc một kg gạo cùng loại. "Như vậy mỗi tháng đã tiết kiệm được một khoản chi tiêu gần 50.000 đồng", chị nhẩm tính.
Trong khi ở TP HCM thừa gạo và giá giảm xuống gần một nửa so với trước thì tại Hà Nội, giá gạo vẫn giữ ở mức khá cao. Chị Hà ở Hào Nam, Hà Nội, cho biết hai tuần trở lại đây, giá gạo hầu như không giảm. Hiện một kg gạo tám Thái được chào bán với giá 18.000 đồng. Gạo Bắc Hương giá 13.000 đồng. "Tôi không hiểu sao trong khi báo chí nói Việt Nam thừa gạo, ở miền Nam gạo giảm một nửa so với trước mà ở Hà Nội giá vẫn giữ nguyên", chị Hà thắc mắc.
Chị Thủy ở Hồ Tây cũng cho hay, chiều qua chị mua 10 kg gạo tám Thái Lan với giá 210.000 đồng. "Tôi thắc mắc sao giá cao vậy thì được đại lý giải thích là loại gạo này đang khan hiếm và đầu mối cung ứng chưa có kế hoạch giảm giá", chị Thủy kể.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Như Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, khẳng định miền Nam thừa gạo và miền Bắc cũng không thiếu. Hiện Tổng công ty miền Bắc đang có trong kho khoảng 200.000 tấn. Công ty Lương thực miền Nam cũng có số lượng 300.000 tấn. Cùng với lượng gạo tồn trong kho của các doanh nghiệp thành viên nữa thì thừa khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Lý giải về sự chênh lệch giá giữa hai miền Nam - Bắc, ông Lai cho rằng đó là do thị hiếu tiêu dùng của người dân hai miền. Giống như một số nước trong khu vực, người miền Nam chuộng loại gạo hạt gầy, khô và chỉ được sản xuất tại ĐBSCL, trong khi đó, người miền Bắc lại chuộng loại gạo dẻo, hạt tròn.
Ông cho hay tại Hà Nội, những loại gạo đứng ở mức cao tập trung chủ yếu vào loại có xuất xứ ở nhiều nơi như Thái Lan, Hàn Quốc, hay gạo Hương Lài, Điện Biên... Còn những loại gạo khác như Đạt Thanh, Tạp giao... thì đang trong xu thế giảm giá.
Một quan chức của Tổng công ty Lương thực Miền Nam cũng cho hay, hiện tượng chênh lệch giá bán giữa hai miền Nam - Bắc đã từng xảy ra ở mấy năm trước. Có thời điểm gạo ở miền Nam sốt giá không đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu song các doanh nghiệp cũng không thể tìm nguồn ở miền Bắc vì loại gạo dẻo hạt tròn phù hợp với chất đất ở đây lại không đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài. Loại gạo được các nước nhập khẩu ưa chuộng hiện nay là loại gạo hạt gầy, khô và cho loại cơm rời. Ngược lại, khi miền Bắc có hiện tượng sốt giá thì doanh nghiệp cũng không thể chuyển ra vì loại gạo miền Nam rất khó bán tại miền Bắc.