Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khuyến nông cộng đồng hỗ trợ phát triển cà phê Tây Nguyên bền vững
27 | 11 | 2023
Thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng, các vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên đang được ‘giúp sức’ để sản xuất đạt tiêu chuẩn, hướng đến phát triển bền vững.

nongnghiep.vn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo “Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên”.

Hỗ trợ kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Sau gần 2 năm triển khai thí điểm, Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” đã gặt hái những thành quả nhất định

Theo đó, Đề án thí điểm đã được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, kết quả đã xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng. Ngoài ra, các tỉnh đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ đề án vùng nguyên liệu.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (phải) tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (phải) tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Tuấn Anh.

Tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại Gia Lai đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp về tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất cà phê bền vững, an toàn lao động cho người trồng cà phê.

Tại Kon Tum, 2 tổ khuyến nông cộng đồng đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và biên bản thỏa thuận hợp tác với 373 hộ nông dân trong sản xuất và bao tiêu gần 2.000 tấn cà phê nhân 4C. Ngoài ra, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã hỗ trợ triển khai 50 lớp tập huấn sản xuất cà phê bền vững, phối hợp đánh giá để cấp chứng nhận 4C cho các hộ dân. Đến nay, các tổ khuyến nông cộng đồng đã hỗ trợ Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mở rộng thêm gần 570ha vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn 4C.

Tại Đắk Lắk, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm đã thực hiện ký liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời cũng hỗ trợ về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất cà phê. Tại Đắk Nông, 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm đã thực hiện ký biên bản thỏa thuận với 2 công ty về bao tiêu sản phẩm phê.

Ông Đới Văn Cương, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, từ khi thành lập đến nay, 2 tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar và Hà Mòn đã có những kết quả hoạt động nhất định. Các tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Triển khai 3 mô hình khuyến nông trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê vối, tái canh cà phê vối bền vững, trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê vối tại huyện Đăk Hà. Đặc biệt, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Hà triển mô hình trồng mắc ca quy mô 50ha.

Cũng theo ông Cương, năm 2023, Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn đã hỗ trợ Công ty TNHH Vĩnh Hiệp triển khai 21 lớp tập huấn về chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C với sự tham gia của 840 hộ nông dân. Qua đó, đã tạo cầu nối giúp công ty và các HTX, hộ kinh doanh ký kết thoả thuận hợp tác trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cà phê 4C. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận 4C cho các hộ nông dân.

Chú trọng nâng cao năng lực cho khuyến nông cơ sở

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc thảo luận và xây dựng quy chế chưa thực sự dân chủ, thiếu sự thảo luận và đóng góp của khuyến nông viên cộng đồng, chính quyền địa phương... nên đôi khi quy chế này được xây dựng mang tính hành chính.

 
Ngành hàng cà phê của Gia Lai đang có những chuyển biến tích cực sang hướng sản xuất bền vững nhờ lực lượng khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngành hàng cà phê của Gia Lai đang có những chuyển biến tích cực sang hướng sản xuất bền vững nhờ lực lượng khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Mặt khác, do mới được thành lập và đi vào hoạt động nên các tổ khuyến nông cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động, chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ về liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân về chuyển đổi số. Trên thực tế, các tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu làm nhiệm vụ kết nối các bên.

Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.... Ngoài ra, các tổ khuyến nông cộng đồng còn gặp khó khăn do thiếu các trang thiết bị đào tạo và kinh phí làm việc để thực hiện nhiệm vụ.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, các tổ khuyến nông cộng đồng ở Gia Lai đã có nhiều nỗ lực, góp phần chuyển giao kỹ thuật, tư vấn cho các HTX, người dân phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững.

Tuy nhiên, hoạt động các tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, cán bộ đa số kiêm nhiệm nên chưa tập trung hết khả năng trong trong việc hỗ trợ phát triển cà phê bền vững.

Khó khăn lớn nhất của các tổ khuyến nông cộng đồng là kinh phí hoạt động. Hiện các tổ khuyến nông cộng đồng có nguồn thu nhưng chưa thực sự đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động hiệu quả.

Trước những khó khăn trên, Gia Lai đã xây dựng kế hoạch về khuyến nông để có chính sách hỗ trợ cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Trong đó, thông qua các tổ khuyến nông cộng đồng để triển khai hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng bao bì nhãn mác cho thương hiệu cà phê; hỗ trợ các chính sách phát phát triển HTX và các sản phẩm OCOP, chính sách tín dụng gắn với các tổ khuyến nông cộng đồng.

“Gia Lai mong muốn các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ hỗ trợ được cho nông dân thông qua việc tư vấn về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê một cách bền vững nhất”, ông Có chia sẻ.

Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) trao tặng thiết bị cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) trao tặng thiết bị cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, việc triển khai thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng đã có những kết quả ngoài mong đợi, vượt qua khuôn khổ của mộ đề án thí điểm. Hiện nay, các địa phương đang vào cuộc tích cực, đặc biệt là các vùng nguyên liệu cà phê các tổ khuyến nông cộng đồng đã phát huy hiệu quả rất tốt.

"Mong muốn của chúng tôi là sẽ xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để kết nối chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Trên thực tế, các tổ khuyến nông cộng đồng đang triển khai tốt, phát huy hiệu quả về khía cạnh này", ông Thanh đánh giá.

Cũng theo ông Lê Quốc Thanh, hiện nay, hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng tương đối đa dạng, không có mô hình mẫu. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa năng lực cho khuyến nông cơ sở để thu hút được nhiều thành phần tham gia vào công tác khuyến nông.

Khó khăn nhất hiện nay là năng lực khuyến nông cơ sở chưa đồng đều. Năng lực khuyến nông cơ sở hạn chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, cần phải tăng cường đào tạo cho đội ngũ khuyến nông cơ sở.

 



Theo Nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường