Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu điều sẽ ra sao trong năm 2024?
15 | 01 | 2024
Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại nhiều thị trường đã có sự cải thiện kể từ cuối năm 2023, mở ra triển vọng sáng hơn cho xuất khẩu điều của Việt Nam trong năm 2024. Nhưng để đạt được hiệu quả trong kinh doanh, bên cạnh sự tích cực của thị trường vẫn cần có sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nguồn: bsc.com.vn

 
Xuất khẩu tăng nhưng kém hiệu quả
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 2,66 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hạt điều ghi nhận tăng trưởng 46,5% về lượng nhưng về giá trị chỉ tăng 19,2%.
 
Số liệu kể trên đã cho thấy sự sụt giảm rất mạnh của giá điều xuất khẩu.
 
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Long Sơn – DN hàng đầu về chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam chia sẻ, mọi người đều cho rằng sau Covid-19 mọi việc sẽ trở nên thuận lợi, nhưng trên thực tế đã không diễn ra như vậy. Bởi trong giai đoạn Covid, các nước mua điều tích trữ rất nhiều do lo ngại đứt gãy nguồn cung. Khi kết thúc Covid, tiêu thụ bắt đầu giảm, cộng thêm cuộc chiến tranh Nga – Ukraine làm cho sức mua tại Mỹ và châu Âu sụt giảm. Sức mua thấp đã kéo giá giảm xuống, khiến năm 2023 là một năm kinh doanh kém hiệu quả của hầu hết DN điều.
 
“Thị phần xuất khẩu của Long Sơn đi châu Âu bị sụt giảm do người mua trả giá thấp quá, mức giảm phải đến 10% so với năm trước. Trong khi nguyên liệu mua đầu vụ giá cao cộng với chi phí lãi vay tăng cao, nên hầu hết các DN đều kinh doanh kém hiệu quả trong năm nay. Riêng tại Long Sơn, chi phí lãi vay trong năm 2023 cao gấp đôi năm trước, do lãi suất vay USD năm 2022 ở mức chỉ 3-3,5%, nhưng năm nay lãi suất lên tới 5,5-6%, thậm chí có lúc vượt 6%” – ông Vũ Thái Sơn cho biết.
 
Phân tích sâu hơn về điều này, ông Sơn cho biết, hầu hết DN điều Việt Nam phải vay ngân hàng để mua nguyên liệu dự trữ vào đầu năm. Giá điều thô cao cộng với lãi suất ngân hàng tạo nên áp lực tài chính không nhỏ. Do đó, điều nhân sau khi sản xuất sẽ buộc phải bán để thu tiền về trả nợ ngân hàng. Trong khi DN cũng không có kho để tồn trữ điều nhân. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động khiến giá điều nhân đi xuống. “Do áp lực phải bán điều thật nhanh để thu tiền về nên các DN phải hạ giá bán xuống thấp, thậm chí phải hạ nhiều lần, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng. Khi giá thấp, khách hàng lại mua vào. Do đó, lượng xuất khẩu vẫn tăng cao, trong khi biểu đồ giá thì luôn đi xuống” – ông Sơn cho biết. Cụ thể, tại Công ty Long Sơn, giá bán điều nhân loại W320 là 2,6 USD/lbs (0,45kg) trong năm 2022 nhưng năm nay hạ xuống chỉ còn 2,33-2,35 USD/lbs.
 
Năm 2024 kỳ vọng sẽ sáng hơn
 
Nhìn lại diễn biến năm 2023, có thể thấy tiêu thụ khá khó khăn trong các tháng đầu năm, nhưng càng về cuối năm, tình hình càng sáng dần lên, cho thấy sức tiêu thụ tại các nước đang tốt dần lên. Riêng tại các nước châu Á, sức mua vẫn tốt. Từ thực tế đó, các DN nhận định tình hình tiêu thụ trong năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023.
 
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thái Sơn, để đạt được thành công trong năm 2024, các DN điều Việt Nam cần đoàn kết với nhau để mua được nguyên liệu giá thấp. “Nếu không đoàn kết thì dù thị trường có thuận lợi đến mấy, nhưng giá nguyên liệu đầu vào cao quá thì vẫn không hiệu quả” – ông Sơn nhấn mạnh. Cụ thể, các DN điều Việt Nam cần đồng lòng giảm công suất nhà máy để tạo áp lực buộc các nhà cung ứng điều thô phải hạ giá bán. Bởi hiện tại, các nhà máy đều muốn chạy hết công suất, khiến nhu cầu điều thô luôn ở mức cao đã đẩy giá nguyên liệu ngày càng tăng.
 
Về triển vọng các thị trường trong năm 2024, giới phân tích đánh giá khu vực châu Á sẽ là thị trường trọng điểm của ngành điều do ít bị tác động bởi các cuộc chiến tranh. Thị trường Mỹ cũng được dự báo sẽ tốt. Một số khách hàng của ngành điều Việt Nam tại Mỹ cho biết sức mua đã bắt đầu khởi sắc, tồn kho đang giảm, cho thấy kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi. Riêng thị trường châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do lạm phát cao, sức mua của người dân vẫn yếu.
 
Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường mới mà ngành điều Việt Nam mới thâm nhập được kể từ sau đại dịch Covid-19. Trước đây, các nhà mua hàng tại 2 thị trường này đều mua hạt điều của Ấn Độ, nhưng việc các nhà máy Ấn Độ ngưng sản xuất trong thời gian đại dịch đã tạo cơ hội cho DN Việt Nam. Hiện các khách hàng tại đây đều đánh giá rất cao hạt điều Việt Nam cả về giá cả và chất lượng, nên tiềm năng trong thời gian tới là rất lớn.
 
Để khắc phục những hạn chế, tận dụng cơ hội thị trường, các DN ngành điều đang nỗ lực đầu tư máy móc, thiết bị, tự động hóa để giảm chi phí sản xuất, đồng thời nỗ lực chuyển đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường. Như tại Tập đoàn Long Sơn, việc in thông tin bằng mực in trên hộp điều đã phải thay bằng cách khắc laser để không ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, Long Sơn cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái để chứng minh cho khách hàng về việc tiết giảm sử dụng điện từ năng lượng hóa thạch…
 
Bên cạnh sự tự chủ động như trên, các DN cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn và có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu, cụ thể là bán thị trường nào thì thu ngoại tệ thị trường đó.
 
Xuất khẩu tăng nhưng kém hiệu quả
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 2,66 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hạt điều ghi nhận tăng trưởng 46,5% về lượng nhưng về giá trị chỉ tăng 19,2%.
 
Số liệu kể trên đã cho thấy sự sụt giảm rất mạnh của giá điều xuất khẩu.
 
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Long Sơn – DN hàng đầu về chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam chia sẻ, mọi người đều cho rằng sau Covid-19 mọi việc sẽ trở nên thuận lợi, nhưng trên thực tế đã không diễn ra như vậy. Bởi trong giai đoạn Covid, các nước mua điều tích trữ rất nhiều do lo ngại đứt gãy nguồn cung. Khi kết thúc Covid, tiêu thụ bắt đầu giảm, cộng thêm cuộc chiến tranh Nga – Ukraine làm cho sức mua tại Mỹ và châu Âu sụt giảm. Sức mua thấp đã kéo giá giảm xuống, khiến năm 2023 là một năm kinh doanh kém hiệu quả của hầu hết DN điều.
 
“Thị phần xuất khẩu của Long Sơn đi châu Âu bị sụt giảm do người mua trả giá thấp quá, mức giảm phải đến 10% so với năm trước. Trong khi nguyên liệu mua đầu vụ giá cao cộng với chi phí lãi vay tăng cao, nên hầu hết các DN đều kinh doanh kém hiệu quả trong năm nay. Riêng tại Long Sơn, chi phí lãi vay trong năm 2023 cao gấp đôi năm trước, do lãi suất vay USD năm 2022 ở mức chỉ 3-3,5%, nhưng năm nay lãi suất lên tới 5,5-6%, thậm chí có lúc vượt 6%” – ông Vũ Thái Sơn cho biết.
 
Phân tích sâu hơn về điều này, ông Sơn cho biết, hầu hết DN điều Việt Nam phải vay ngân hàng để mua nguyên liệu dự trữ vào đầu năm. Giá điều thô cao cộng với lãi suất ngân hàng tạo nên áp lực tài chính không nhỏ. Do đó, điều nhân sau khi sản xuất sẽ buộc phải bán để thu tiền về trả nợ ngân hàng. Trong khi DN cũng không có kho để tồn trữ điều nhân. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động khiến giá điều nhân đi xuống. “Do áp lực phải bán điều thật nhanh để thu tiền về nên các DN phải hạ giá bán xuống thấp, thậm chí phải hạ nhiều lần, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng. Khi giá thấp, khách hàng lại mua vào. Do đó, lượng xuất khẩu vẫn tăng cao, trong khi biểu đồ giá thì luôn đi xuống” – ông Sơn cho biết. Cụ thể, tại Công ty Long Sơn, giá bán điều nhân loại W320 là 2,6 USD/lbs (0,45kg) trong năm 2022 nhưng năm nay hạ xuống chỉ còn 2,33-2,35 USD/lbs.
 
Năm 2024 kỳ vọng sẽ sáng hơn
 
Nhìn lại diễn biến năm 2023, có thể thấy tiêu thụ khá khó khăn trong các tháng đầu năm, nhưng càng về cuối năm, tình hình càng sáng dần lên, cho thấy sức tiêu thụ tại các nước đang tốt dần lên. Riêng tại các nước châu Á, sức mua vẫn tốt. Từ thực tế đó, các DN nhận định tình hình tiêu thụ trong năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023.
 
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thái Sơn, để đạt được thành công trong năm 2024, các DN điều Việt Nam cần đoàn kết với nhau để mua được nguyên liệu giá thấp. “Nếu không đoàn kết thì dù thị trường có thuận lợi đến mấy, nhưng giá nguyên liệu đầu vào cao quá thì vẫn không hiệu quả” – ông Sơn nhấn mạnh. Cụ thể, các DN điều Việt Nam cần đồng lòng giảm công suất nhà máy để tạo áp lực buộc các nhà cung ứng điều thô phải hạ giá bán. Bởi hiện tại, các nhà máy đều muốn chạy hết công suất, khiến nhu cầu điều thô luôn ở mức cao đã đẩy giá nguyên liệu ngày càng tăng.
 
Về triển vọng các thị trường trong năm 2024, giới phân tích đánh giá khu vực châu Á sẽ là thị trường trọng điểm của ngành điều do ít bị tác động bởi các cuộc chiến tranh. Thị trường Mỹ cũng được dự báo sẽ tốt. Một số khách hàng của ngành điều Việt Nam tại Mỹ cho biết sức mua đã bắt đầu khởi sắc, tồn kho đang giảm, cho thấy kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi. Riêng thị trường châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do lạm phát cao, sức mua của người dân vẫn yếu.
 
Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường mới mà ngành điều Việt Nam mới thâm nhập được kể từ sau đại dịch Covid-19. Trước đây, các nhà mua hàng tại 2 thị trường này đều mua hạt điều của Ấn Độ, nhưng việc các nhà máy Ấn Độ ngưng sản xuất trong thời gian đại dịch đã tạo cơ hội cho DN Việt Nam. Hiện các khách hàng tại đây đều đánh giá rất cao hạt điều Việt Nam cả về giá cả và chất lượng, nên tiềm năng trong thời gian tới là rất lớn.
 
Để khắc phục những hạn chế, tận dụng cơ hội thị trường, các DN ngành điều đang nỗ lực đầu tư máy móc, thiết bị, tự động hóa để giảm chi phí sản xuất, đồng thời nỗ lực chuyển đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường. Như tại Tập đoàn Long Sơn, việc in thông tin bằng mực in trên hộp điều đã phải thay bằng cách khắc laser để không ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, Long Sơn cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái để chứng minh cho khách hàng về việc tiết giảm sử dụng điện từ năng lượng hóa thạch…
 
Bên cạnh sự tự chủ động như trên, các DN cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn và có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu, cụ thể là bán thị trường nào thì thu ngoại tệ thị trường đó.


bsc.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường