Nguồn: nongnghiep.vn
Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên con số 55 tỷ USD trong năm 2024 hoàn toàn nằm trong tầm tay của nông nghiệp Việt Nam.
Vị thế nông nghiệp nhận được sự quan tâm của toàn xã hội khi bước vào mùa xuân mới Giáp Thìn 2024. Mùng 6 Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã trải nghiệm mô hình mạ khay cấy máy trên cánh đồng không dấu chân ở tỉnh Hải Dương. Hình ảnh gần gũi và thân thiện của Thủ tướng Phạm Minh Chính giữa những người nông dân, không chỉ mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho cộng đồng, mà còn trực tiếp chứng minh vị thế nông nghiệp thực sự góp phần làm nên vị thế Việt Nam.
Năm 2023 vừa qua, dù bối cảnh nền kinh tế nói chung đối mặt rất nhiều khó khăn, thì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn đạt được kết quả khả quan, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD. Kế hoạch đưa giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên con số 55 tỷ USD trong năm 2024 hoàn toàn nằm trong tiềm lực đang trỗi dậy mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam.
Dựa trên nền tảng văn minh lúa nước, nông nghiệp Việt Nam càng ngày càng chứng tỏ vai trò trụ đỡ của cuộc sống con người Việt Nam thời hội nhập. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, rau củ… đều tăng cao trên thị trường, giúp thu nhập của người nông dân được cải thiện vượt trội. Đặc biệt, lúa gạo Việt Nam trở thành một điểm sáng đáng phấn khởi. Nhờ liên tục nâng cao chất lượng, giá gạo Việt Nam đã lên mức 600 USD/tấn. Tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 tổ chức tại Hậu Giang, nhiều đối tác quốc tế đã bày tỏ sự tin tưởng và ký kết những hợp đồng đặt hàng sản phẩm lúa gạo Việt Nam.
Những thành công khẳng định vị thế nông nghiệp Việt Nam trong năm 2023 vừa qua, không phải sự ngẫu nhiên. Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ quan niệm nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Như vậy, con đường thịnh vượng của nông nghiệp Việt Nam được cộng hưởng giữa ý Đảng và lòng dân. Những mắt xích chủ yếu tạo nên vị thế nông nghiệp Việt Nam từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp đều được cân nhắc mọi ưu điểm và nhược điểm để tìm ra lộ trình phát triển bền vững. Sự cần cù và sự sáng tạo của nông dân phải có được sự hồi đáp tương xứng, là tiêu chí cốt lõi khi ban hành mỗi chủ trương, khi triển khai mỗi chính sách, khi thực hiện mỗi quyết định.
Kinh nghiệm ngàn đời của nông thôn Việt Nam được hỗ trợ của công nghệ hiện đại từng bước xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Trên đất đai còn nồng nàn hơi ấm tổ tiên, người nông dân hôm nay không còn sốt ruột “bạn về theo bạn đào núi ngăn sông” mà trân trọng từng màu xanh hiện hữu vẻ đẹp mát lành. Nhìn từ mùa xuân Giáp Thìn, nếu nông dân ở Tây Nguyên nhanh chóng chuyển đổi cây trồng để phù hợp với nương rẫy ôm ấp giấc mơ đại ngàn, thì nông dân đồng bằng sông Cửu Long phấn khích với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Một bài toán mới mẻ bắt đầu được người nông dân nghĩ đến, đó là vị thế nông nghiệp không chỉ có thu hoạch nông sản mà còn có nguồn lợi tín chỉ các bon. Những đồi cọ Phú Thọ, những vườn điều Bình Phước, những hàng dừa Bến Tre, những rừng tràm Cà Mau… đều trực tiếp tham dự vận hội thúc đẩy sự phát triển tương lai.
Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Vì vậy, vị thế nông nghiệp Việt Nam trông cậy vào chính nông dân Việt Nam.
Đã đến lúc phải có cái nhìn khác về nông dân Việt Nam. Họ hoàn toàn không phải những con người quê mùa và thô vụng. Quá trình tri thức hóa nông dân, họ tự hào với bàn tay chăm chỉ, với trái tim nhân hậu và ánh mắt kiêu hãnh. Nông dân Việt Nam khước từ những thủ đoạn kiếm tiền bằng tiểu xảo. Bát cơm thơm ngọt sau mùa gặt nào cũng lấp lánh mồ hôi ân cần. Giữa nháo nhào danh lợi bon chen với nhiều mưu mô thấp hèn ngắn hạn đe dọa sự ổn định xã hội, càng phải biết ơn dáng đứng lương thiện của nông dân trên ruộng đồng sớm chiều mưa nắng.
Có lẽ không có gì băn khoăn, khi nhắc lại một chân lý, vị thế nông nghiệp Việt Nam chính là vị thế nông dân Việt Nam. Ước mơ của nông dân Việt Nam ở rẻo cao miền núi Tây Bắc, làng chài ven biển miền Trung hay xóm nhỏ miệt vườn miền Nam đều hướng tới giá trị tốt đẹp của đất nước Việt Nam. Người gieo hạt, người giăng lưới, người làm muối, người nuôi lợn, người giữ rừng… đều gìn giữ phẩm chất minh bạch và tiến bộ cho nông nghiệp Việt Nam.
Hơn ai hết, để có vị thế nông nghiệp Việt Nam, mỗi người nông dân đều hiểu rằng, sự giàu có đôi khi phụ thuộc may mắn số phận, còn sự tử tế nhất định phải được bồi đắp bởi thái độ chọn lựa và tinh thần tu dưỡng liên tục và bền bỉ. Cho nên, vị thế Việt Nam đang bắt đầu từ vẻ đẹp nông dân Việt Nam.