Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây tiêu của Việt Nam đã vươn lên trên thị trường thế giới
24 | 06 | 2008
Tại cuộc họp báo mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết từ ngày 24 đến 27-11-2008, Hội nghị thường niên lần thứ 36 của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC) sẽ được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.
Đây là lần đầu tiên hội nghị này đuợc tổ chức tại Việt Nam và Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội hồ tiêu quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam Đỗ Hà Nam cho rằng, đây là niềm vui và cơ hội cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành hồ tiêu Việt Nam nói riêng; giúp người trồng tiêu đến gần với thị trường thế giới hơn để hiểu rõ hơn tập quán buôn bán kinh doanh quốc tế...

Theo những người trong cuộc thì cây tiêu dù có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 18, được trồng nhiều ở Phú Quốc và Vĩnh Linh nhưng ít được biết đến. Cả trăm năm Việt Nam hầu như không có tên trên bản đồ cây gia vị của thế giới. Mãi đến thế kỷ 20, khoảng năm 1986, khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới với cơ chế thị trường, cây tiêu bắt đầu được phát triển mạnh. Mạnh nhưng không ào ạt như cà phê vì không biết do điều kiện thổ nhưỡng hay khả năng chăm sóc kém mà những hộ trồng tiêu thường chỉ trồng vài sào hay nhiều lắm là 1-2 hécta. Tuy nhiên, với năng suất ngày càng cao, từ 5 - 7 tạ/hécta nay đạt 3 tấn/hécta, cá biệt hộ kỹ thuật canh tác tốt có thể đạt 5 tấn/hécta; và chi phí giá thành khoảng 15.000 - 20.000đ/kg nhưng giá bán khoảng 40.000 - 50.000đ/kg, có lúc lên tới 60.000đ/kg nên những nguời trồng tiêu có thể yên tâm với nghề trồng tiêu của mình. Giờ đây thu nhập 100 -150 triệu đồng/hécta tiêu không phải là điều khó đạt được.

Việt Nam hiện có khoảng 50.000 hécta tiêu được trồng nhiều nhất ở một số tỉnh ở cao nguyên và miền Đông Nam bộ, trong đó Đồng Nai có khoảng 7.000 hécta. Với cơ cấu chiếm trên 30% sản luợng trồng trọt và gần 50% thị phần xuất khẩu, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Năm 2007, Việt Nam xuất khẩu 82.000 tấn tiêu, đạt kim ngạch gần 300 triệu USD so với năm 2006 xuất khẩu đến 116.000 tấn nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 190 triệu USD. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã biết "ứng xử" với thị trường thế giới để tìm cơ hội thuận lợi nâng cao vị trí hạt tiêu của Việt Nam. Có nhà kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản nhớ lại: đầu những năm 1990 hạt tiêu của Việt Nam xuất đi chỉ được khoảng 600 USD/tấn nhưng nay bình quân khoảng 3.200USD/tấn.

Trong khi năng suất tiêu của Việt Nam có xu hướng tăng lên thì những nước sản xuất tiêu của thế giới mới đạt khoảng 500 - 1.000 kg/hécta. Do vậy, cây tiêu của Việt Nam vẫn có nhiều khả năng trên thị trường gia vị quốc tế. Tuy nhiên, một quan chức của Bộ NN&PTNT cho rằng diện tích tiêu của Việt Nam nên ổn định ở mức 50.000 hecta, sản lượng khoảng 100.000 tấn, không nên mở rộng hơn nữa để đề phòng những chu kỳ lên, xuống của thị trường. Cũng theo quan chức này, thì vấn đề của cây tiêu hiện nay là đưa khoa học kỹ thuật vào để phòng chống các loại bệnh của cây tiêu, đưa năng suất lên cao và sản xuất theo tiêu chuẩn sạch của thế giới. Đồng thời, Việt Nam cần chú ý đến công nghiệp chế biến gia vị, vì không chỉ hạt tiêu mà các loại quế, hồi, ớt... của Việt Nam cũng là thế mạnh góp mặt trong chuỗi gia vị.

Hy vọng, hội nghị lần thứ 36 của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế được tổ chức tại Việt Nam vào thượng tuần tháng 11 tới đây sẽ là dịp cho ngành hồ tiêu Việt Nam hiểu rõ hơn những gì mà thị trường thế giới đang quan tâm đối với cây hồ tiêu nói riêng và thị trường gia vị nói chung. Đồng thời cũng là dịp để quảng bá thương hiệu hồ tiêu Việt Nam và người trồng tiêu Việt Nam quan sát và nắm bắt thông tin từ ngành sản xuất hồ tiêu và gia vị thế giới thông qua các cuộc thảo luận và hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm với 200 gian hàng của Việt Nam và các nuớc thành viên IPC như Malaysia, Ấn Độ, Srilanka, Brazil, Indonesia, Đảo Hải Nam...




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường