Nguồn: Vnexpress.net
Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, việc xuất khẩu gạo sang nước này đang gặp bất lợi khi Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Perum Bulog) và Cơ quan Lương thực Quốc gia bị tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (KPU). Tổ chức này cáo buộc rằng có sự thổi phồng giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam, gây ra nghi ngờ về tham nhũng.
Ông Mokhamad Suyamto, Giám đốc chuỗi cung ứng và dịch vụ công của Perum Bulog, nói trên truyền thông nước này rằng cáo buộc tăng giá xuất phát từ việc Tập đoàn Tân Long của Việt Nam chào bán 100.000 tấn gạo với giá 538 USD mỗi tấn trong chuyến thăm của Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia vào tháng 5. Theo SDR, mức giá này cao hơn 82 USD mỗi tấn so với giá thị trường, gây thiệt hại 180,4 triệu USD cho 2,2 triệu tấn gạo nhập khẩu trong 5 tháng.
Đại diện Tập đoàn Tân Long khẳng định với VnExpress rằng họ hoàn toàn không liên quan đến các cáo buộc nêu trên. Theo Tân Long, trong lịch sử mở thầu gạo của Indonesia, họ chưa từng trúng bất kỳ lô hàng gạo nào trực tiếp từ Perum Bulog. Họ chỉ từng trúng thầu duy nhất một lô hàng 30.000 tấn thông qua đối tác Posco (Hàn Quốc).
Và lô thầu này, Tân Long đã trúng với giá 620 USD mỗi tấn, vào thời điểm tháng 1 (trước Tết), và dự kiến giao hàng từ 25/2 đến 15/3. Tuy nhiên, theo yêu cầu từ phía Bulog, thời điểm giao hàng thực tế đã được dời lại đến tháng 4.
Là doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu gạo sang Indonesia, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết không có liên quan đến các cáo buộc nêu trên. "Hoạt động xuất khẩu của công ty sang thị trường Indonesia vẫn diễn ra bình thường", Lộc Trời nói.
Trong tháng 5, Lộc Trời đã thông báo trúng thầu 100.000 tấn gạo để cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog). Công ty cho biết đã trúng thầu với mức giá 563 USD mỗi tấn, thấp hơn 16 USD so với giá chào ban đầu là 579 USD, và thấp hơn giá thị trường chung tại thời điểm đó.
Theo ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, các cáo buộc về việc tăng giá có thể chưa chính xác, vì giá gạo thay đổi từng ngày và việc so sánh giá tại thời điểm này với đầu năm là không hợp lý. Tuy nhiên, thông tin này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung gạo cho thị trường Indonesia trong nửa cuối năm. Nếu các cơ quan Indonesia tiến hành điều tra, họ có thể tạm ngừng mua gạo từ Việt Nam trong một thời gian.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng lo ngại vụ việc này có thể ảnh hưởng đến hoạt động thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam cho đến hết năm 2024, hoặc đến khi vụ việc được điều tra làm rõ. Do đó, cơ quan thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong mọi giao dịch và phát ngôn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia hơn 712.400 tấn gạo, thu về 444,4 triệu USD, tăng 44,6% về lượng và 82,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Indonesia chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm nay và là khách hàng lớn thứ hai của gạo Việt Nam, chỉ sau Philippines.
Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong năm nay, thay vì 3,6 triệu tấn như kế hoạch ban đầu.