Nguồn: VPSA
Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch trong nửa đầu năm nay.
Theo Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 634,2 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 539,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 6,8%, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng 30,5%.
Giá tiêu đen xuất khẩu bình quân 6 tháng đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD đối với tiêu đen và 1.028 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 6 tháng năm 2023.
Về thị trường, xuất khẩu hồ tiêu sang khu vực châu Mỹ tăng 42,5%. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ là khách hàng mua nhiều nhất tại khu vực này, ghi nhận mức tăng 44,6% đạt 37.435 tấn. Tiếp theo là khu vực châu Âu với tăng trưởng xuất khẩu 39,4%. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại châu Âu bao gồm: Đức đạt 9.526 tấn; Hà Lan đạt 6.019 tấn; Nga đạt 3.564 tấn; Thổ Nhĩ Kỳ đạt 3.151 tấn, Anh đạt 2.952 tấn.
Thị phần khu vực châu Á đứng đầu, chiếm 39,4% thị phần, tuy nhiên, so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 37,6%, trong đó chủ yếu là giảm từ thị trường Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chính tại châu Á bao gồm: UAE đạt 8.388 tấn; Ấn Độ đạt 8.173 tấn; Trung Quốc đạt 7.453 tấn, Philippine đạt 4.811 tấn; Pakistan đạt 4.284 tấn và Hàn Quốc đạt 3.994 tấn.
Xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 14,1%, đứng đầu là Ai Cập đạt 3.898 tấn. Các thị trường xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức đạt 2.454 tấn, Hoa Kỳ đạt 2.044 tấn, Hà Lan đạt 1.779 tấn, Thái Lan đạt 1.732 tấn…
Giá được kỳ vọng sẽ khả quan hơn sau Tết Nguyên đán khi các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm đầu quý 2 hàng năm. Thêm vào đó các thị trường khác cũng sẽ phải bắt đầu mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng, điều này có thể làm cho lượng hàng tồn cuối năm tiếp tục giảm.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho hay, cước tàu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn khi căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, gần đây, dưới sự thúc đẩy của Hiệp hội Gia vị Hoa Kỳ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã liên tục công bố một số MRLs được thiết lập đối với mặt hàng gia vị, đa phần là các hoạt chất bị phát hiện với tầng suất cao có trong hồ tiêu.
Theo Chủ tịch VPSA, để đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị, VPSA sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và xin phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Tuyên truyền, quảng bá phát triển bền vững ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam giai đoạn 2024 - 2026”.
Tiếp tục phối hợp với các bên liên quan và Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng cập nhật tình hình và giải quyết việc thiếu hụt hàng hoá trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thành viên. Tổ chức khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên dự kiến vào tháng 11 và tháng 12/2024.
Bà Hoàng Thị Liên cũng kỳ vọng, năm 2024, ngành hồ tiêu Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ khai thác tốt thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và các thị trường tiềm năng khác. Với vị thế là nguồn cung hồ tiêu số 1 thế giới nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo, hồ tiêu Việt Nam sẽ thuận lợi khi thâm nhập vào các thị trường.