Theo Congthuong.vn
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,2 triệu tấn
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 10/2024 ước đạt 50.000 tấn, giá trị đạt 292,7 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,2 triệu tấn, thu về 4,6 tỷ USD. Mặc dù khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% nhưng giá trị lại tăng vọt 40,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao kỷ lục lịch sử trong 30 năm qua.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% so với niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024). Lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng tới tới 33,1%, lên mức 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay.
Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu cà phê trong một niên vụ cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Giá xuất khẩu tăng cao là động lực chính để xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc nói trên.
|
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh:MH |
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VICOFA, cho hay, năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê. Lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng đứng đầu thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica.
Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng liên tục. Cụ thể, tháng 1, cà phê của nước ta có giá xuất khẩu chỉ 3.054 USD/tấn, đến tháng 10 vọt lên 5.855 USD/tấn. Có nghĩa là, trong vòng 10 tháng, giá mặt hàng này đã tăng tới 91,7%.
Tương tự, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa cuối tháng 10 năm ngoái chỉ dao động từ 58-59 triệu đồng/tấn, đến thời điểm ngày 8/11 tăng lên 105-106 triệu đồng/tấn. Cuối tháng 4, mức giá cao nhất được ghi nhận là 131 triệu đồng/tấn vào cuối tháng 4.
Thời gian qua, giá cà phê trên thế giới tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, dẫn đến giảm nguồn cung.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) - cho biết, điều quan trọng khiến giá cà phê tăng là quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. Hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) nêu rõ, từ ngày 30/12, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường này nếu không chứng minh được sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ, tính hiệu lực của quy định EUDR được lùi lại tới tháng 7/2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang tích cực thu mua cà phê.
Bên cạnh những kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng cà phê mà còn khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cà phê Việt Nam đang bước vào niên vụ thu hoạch mới. VICOFA dự báo sản lượng cà phê xuất khẩu sẽ phục hồi trong các tháng cuối năm do cả cung và cầu.
Giá cà phê thế giới liên tục đảo chiều
Trên sàn giao dịch London, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2025 giảm 110 USD/tấn, ở mức 4.376 USD/tấn, giao tháng 3/2025 giảm 106 USD/tấn, ở mức 4.318 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 giảm 7,05 cent/lb, ở mức 253,35 cent/lb, giao tháng 3/2025 cent/lb giảm 6,65 cent/lb, ở mức 253,1 cent/lb.
Giá cà phê 2 sàn cùng giảm sau phiên tăng mạnh ngày hôm trước. Đồng USD "phủ" sắc xanh trở lại khiến cà phê giảm. Những ngày qua, thị trường cà phê liên tục điều chỉnh theo sự lên xuống của đồng USD. Đồng bạc xanh tăng, cà phê giảm và ngược lại.
Đồng USD tăng mạnh trở lại đã gây sức ép lên thị trường hàng hoá nói chung và giá cà phê nói riêng. Bên cạnh đó, thông tin xuất khẩu cà phê toàn cầu gia tăng cũng tác động đến thị trường.
Trong khi đó, ngày 7/11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, sau khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá thị trường lao động nhìn chung đã nới lỏng và lạm phát tiếp tục tiến tới mức mục tiêu 2%.
Quyết định mới nhất của Fed đã đưa lãi suất chính sách của Mỹ xuống phạm vi 4,50%-4,75%. Ngay sau quyết định của Fed, nhiều ngân hàng trên thế giới đã tiến hành cắt giảm lãi suất. Trong báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9 tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 10,76 triệu bao.
Kết thúc niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 9/2024) tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 11,7% so với niên vụ trước, đạt tổng cộng 137,27 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong tháng 9 đạt tổng cộng 9,69 triệu bao, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung niên vụ cà phê 2023-2024, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt 123,75 triệu bao, tăng 11,8% (13,02 triệu bao) so với mức 110,72 triệu bao của niên vụ trước. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất từ trước đến nay, vượt qua mức cao nhất trước đó là 9,27 triệu bao trong niên vụ cà phê 1995-1996.
ICO cho biết, tăng trưởng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 phần lớn phản ánh hiệu ứng cơ bản của hai năm liên tiếp suy giảm (1,1% và 5,6%), với xuất khẩu cà phê xanh thế giới giảm từ 118,66 triệu bao trong niên vụ cà phê 2020-2021 xuống 110,72 triệu bao trong niên vụ cà phê 2022-2023.
Theo ICO, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đã tăng trung bình 2,36 triệu bao mỗi năm từ niên vụ cà phê 2010-2011 đến 2020-2021, trong khi chỉ tăng 1,69 triệu bao mỗi năm từ niên vụ cà phê 2020-2021 đến 2023-2024. Mức xuất khẩu thực tế hiện nay vẫn thấp hơn mức tiềm năng là 125,73 triệu bao.