Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản Việt có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ
31 | 12 | 2024
Năm nay, nhiều nông sản Việt tiếp tục chinh phục thành công những thị trường mới, nhiều mặt hàng nông sản mới được "cấp visa" xuất khẩu chính ngạch.

Nguồn: vtv.vn

Nông sản Việt chinh phục nhiều thị trường

Năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng của kinh tế. Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 62,5 tỷ USD - con số cao nhất từ trước tới nay. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, trong năm nay, nhiều nông sản Việt tiếp tục chinh phục thành công những thị trường mới, nhiều mặt hàng nông sản mới được "cấp visa" xuất khẩu chính ngạch.

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam với thị phần gần 22%. Đến nay, đã có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 13,5 tỷ USD. Việc ký kết các nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa qua đã mở đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân lên 17 mặt hàng.

Ngoài ra, nông sản Việt còn có các thị trường tiềm năng khác như Halal, Hàn Quốc, Australia. Đây là kết quả từ nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường của các bộ, ngành trong năm qua, tạo sức bật cho nhiều loại nông sản trong nước tăng trưởng.

Nông sản Việt có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh 1.

Nông sản Việt có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xuất khẩu nông sản đạt nhiều nhiều kỷ lục

Không chỉ kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản bứt phá, giá trị xuất siêu năm nay cũng đạt kỷ lục 18,6 tỷ USD, tăng hơn 50% so với năm ngoái. Đây là dấu mốc phát triển vượt bậc. Năm nay, ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước, mà hàng loạt nông sản chủ lực còn thiết lập những kỷ lục mới trong xuất khẩu.

Lần đầu tiên, cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới. Thời điểm thu hoạch cũng là lúc nông dân gặt hái được thành quả lớn. "Giá cả tăng cao gấp đôi năm ngoái nên bà con rất vui vẻ vì các nhà phân phối thu mua cao", chị Y Ya Vowng - huyện Đắk Hà, Kon Tum chia sẻ.

Nông sản Việt có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh 2.

Năm mới 2025, nông sản Việt được nhận định còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Không chỉ cà phê, giá nhiều loại nông sản như sầu riêng, ca cao, gạo, hạt tiêu đều ở mức cao, có lúc giá tăng hơn 50% so với năm ngoái, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của nhiều mặt hàng trong năm nay.

Bên cạnh đó, những ngành từng sụt giảm sâu những năm trước như thuỷ sản và đồ gỗ đều đã về đích sớm nhờ nắm bắt cơ hội phục hồi. Có thể thấy, những kỷ lục xuất khẩu của nông nghiệp đều đến từ nỗ lực của toàn ngành trong năm qua.

Những lợi thế tiềm năng của nông nghiệp đang khơi thông sẽ là nền tảng để về đích các mục tiêu của năm 2025 với giá trị lớn hơn của nông sản Việt.

Thách thức xuất khẩu nông sản bền vững

Những thành tựu của ngành nông nghiệp thiết lập được trong năm nay là kết quả của quá trình chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.

Năm mới 2025, nông sản Việt được nhận định còn nhiều dư địa tăng trưởng. Nhưng bên cạnh cơ hội, vẫn còn những thách thức và biến động khó lường.

Dự báo năm 2025, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục đương đầu với thách thức bên ngoài như chiến tranh hay gián đoạn vận tải. Những khó khăn này lại là cơ hội cho nông sản chế biến, bảo quản được dài ngày. Thực tế, tỷ lệ chế biến sâu vẫn còn thấp khi hơn 80% nông sản xuất khẩu vẫn ở dạng thô.

Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng làm sao để bền vững? Câu trả lời là đảm bảo chất lượng. Năm qua, Việt Nam nhận hơn 1.000 thông báo điều chỉnh tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm từ các nước nhập khẩu, cao nhất từ trước đến nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I năm tới khi nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới tiếp tục tăng. Ngành nông nghiệp Việt không chỉ cần tận dụng cơ hội trước mắt, mà phải mạnh mẽ đối diện và giải quyết tận gốc những vấn đề nội tại, để vươn xa hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới.



Báo cáo phân tích thị trường