Riêng khu vực châu Á dự báo đạt 121,9 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm trước. Tiêu thụ thịt thế giới năm 2006 là 275,6 triệu tấn, dự báo năm nay tiêu thụ thịt 284,2 triệu tấn. Tại châu Mỹ, sản lượng thịt năm nay dự báo đạt 89 triệu tấn, so với năm trước đạt 86,5 triệu tấn và sản lượng thịt châu Âu đạt 54,4 triệu tấn so với năm trước đó đạt 53,6 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, sản lượng thịt lợn thế giới năm nay có thể đạt 101,867 triệu tấn, so với năm 2006 đạt 99,016 triệu tấn, tăng 4,3%. Xuất khẩu thịt gà thế giới năm 2006 đạt 6,527 triệu tấn, năm nay dự báo đạt 6,882 triệu tấn, tăng 2,6%. Xuất khẩu thịt bò thế giới năm nay dự báo đạt 7,571 triệu tấn, so với mức năm 2006 là 7,273 triệu tấn, tăng 4,1%.
Brazil, nước sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới, năm nay có thể xuất khẩu 2,235 triệu tấn, so với mức năm ngoái 2,109 triệu tấn. Trong 3 tháng đầu năm 2007, nước này đã xuất khẩu thịt bò đạt 2,4 tỷ USD,tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái... Brazil cũng là nước xuất khẩu nhiều thịt gà nhất, dự báo đạt 2,7 triệu tấn năm nay, so với mức 2,5 triệu tấn năm trước đó, tăng 8%.
Australia sản xuất thị bò lớn thứ 2 thế giới, năm nay có thể xuất khẩu 1,530 triệu tấn, so với mức năm ngoái 1,459 triệu tấn. Argentina từng xuất khẩu 762.000 tấn thịt bò năm 2005, đứng vị trí thứ 3 thế giới và đứng vị trí thứ 4 năm 2006. Năm nay nước này có thể sản xuất 3,1 triệu tấn thịt bò...
Trung Quốc có sản lượng thịt lợn lớn nhất thế giới, năm 2007 dự báo đạt 55,8 triệu tấn so với mức 52,2 triệu tấn năm ngoái, tiếp đó là Brazil dự báo đạt 2,9 triệu tấn, Nga 2 triệu tấn và Việt Nam 1,8 triệu tấn. Dịch bệnh xuất hiện ở lợn năm ngoái đã làm hơn 1 triệu con bị chết và giá ngô tăng cao kỷ lục đã đẩy giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng; tại nhiều địa phương bán với giá 20 NDT (2,6 USD)/kg.
Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết năm 2006 thị trường Mỹ đã nhập hoa quả tươi, hoa quả đông lạnh từ Trung Quốc trị giá 29 triệu USD và nhập rau tươi trị giá 131 triệu USD. Năm qua Mỹ nhập khẩu mật ong chiếm tới 70% trong số 200.000 tấn mật ong người Mỹ tiêu thụ, trong đó nhập khẩu mật ong từ Trung Quốc chiếm tới 19%. Thị trường Mỹ hàng năm tiêu thụ hơn 2,5 triệu tấn thủy sản, trong đó 80% là thuỷ sản nhập khẩu. Lượng thuỷ sản Trung Quốc nhập vào Mỹ chiếm tới 16% tổng khối lượng thuỷ sản nhập khẩu.
Mike Doyle, Giám đốc Trung tâm an toàn thực phẩm của Trường đại học Georgia cho rằng Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) không thể kiểm soát được tình trạng thực phẩm nhập khẩu ồ ạt. Trong tháng 3, FDA đã chặn được 850 lô hàng gồm ngũ cốc, cá, rau quả, gia vị, dầu ăn và các loại thực phẩm khác nhập khẩu bị hỏng hoặc sử dụng phẩm mầu không an toàn, bị nhiễm thuốc trừ sâu hay vi khuẩn Samonela.
Mỗi năm người Mỹ tiêu thụ trung bình khoảng 118 kg thực phẩm nhập khẩu, chiếm 13% tổng lượng thực phẩm tiêu thụ. FDA đã phát hiện nhiều lô hàng từ Trung Quốc như cá tra đông lạnh có nhiễm thuốc thú y quá quy định, gừng nhiễm thuốc sâu, hạt dưa nhiễm chất gây ung thư.
Theo Washington Post, trong tháng 4, cơ quan FDA đã huỷ 257 lô hàng thực phẩm nhập từ Trung Quốc; thu hồi hơn 100 sản phẩm thức ăn gia súc nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa hoá chất làm chết hàng nghìn con chó và mèo tại các bang.
Theo AFP, tại Hồng Kông các cơ quan chức năng kiểm soát an toàn thực phẩm nhiều nước ở châu Á đang phải vật lộn trong việc kiểm soát việc sử dụng các hoá chất độc hại trong thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người.
Phormon là một trong những hoá chất được dùng nhiều nhất để đuổi ruồi và kéo dài tình trạng thịt tươi sống bán tại các chợ, giữ cho mầu sắc thịt được tươi lâu. Thứ đến là axit boric, axit benzen, thuốc nhuộm công nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, dầu ăn kém chất lượng và dioxit lưu huỳnh... là những chất độc hại thường được tìm thấy trong thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và nhiều nước khác ở châu Á.
Các hoá chất độc hại có trong thực phẩm thường gây ra các bệnh, làm cho nhiều người bị ung thư, gây các bệnh về gan, thận, sự phát triển không bình thường về trí não và thể trạng của trẻ em.
Một trong những nỗ lực nhằm chống lại tình trạng sản xuất thực phẩm không an toàn, các cơ quan chức năng tại nhiều thành phố ở Trung Quốc đã sử dụng xe lưu động kiểm tra thực phẩm nhanh và phạt nặng những người sản xuất và bán thực phẩm không an toàn, có chất độc hại.