Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hồ tiêu Việt Nam: Vị thế số 1 thế giới
30 | 07 | 2007
Hiện nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm tới 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu của cả thế giới. Tỷ lệ này có khả năng sẽ còn tăng trong những năm tới. Không những thế, Việt Nam đang được đánh giá là nhà cung ứng hồ tiêu lý tưởng nhất trên thế giới với giá cả và chất lượng cạnh tranh.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tính đến trung tuần tháng 9/2006, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 100.000 tấn, xấp xỉ với lượng xuất khẩu hồ tiêu cả năm 2005. Hiện tại, giá xuất khẩu hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt từ mức 1.959USD/tấn – 2.000USD/tấn, tăng hơn 500USD/tấn so với thời điểm tháng 7/2006. Trong nước, các doanh nghiệp thu mua cho nông dân với giá 31.500 đồng/kg tiêu đen, cao gần gấp đôi so với giá bình quân năm 2005. Với giá thu mua trong nước và xuất khẩu như trên, hồ tiêu Việt Nam đang có một năm đạt hiệu quả rất cao cả về sản xuất lẫn kinh doanh. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, khẳng định sự tăng giá mạnh này không phải là nhất thời, bởi trừ Việt Nam, hầu hết các nước xuất khẩu hồ tiêu đều đang bị giảm mạnh. Để sản lượng phục hồi cũng phải mất ít nhất 3 năm. Điều này khiến cho cán cân cung - cầu trên thị trường thế giới đã đổi chiều theo hướng có lợi cho nhà sản xuất. Dự kiến, mức giá cao hiện nay, không những sẽ duy trì đến hết năm mà còn kéo dài sang những năm tới và có thể còn tăng lên nữa. Bởi vậy, nếu các doanh nghiệp ngành hồ tiêu tiếp tục có được sự thống nhất trong việc tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo VSATTP, thu mua và xuất khẩu… thì kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2007 hoàn toàn có thể tăng mạnh và đạt tới 200 triệu USD.


Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường Mỹ đến 33% tổng nhu cầu tiêu thụ; EU trên 40%… Đây là những thị trường lớn, có tính ổn định lâu dài. Song song đó, các doanh nghiệp trong nước đã bán hàng trực tiếp cho nhà nhập khẩu, hạn chế được xuất qua trung gian. Điều này làm cho giá xuất tăng, sản lượng xuất khẩu tăng và tránh được tình trạng bị “ép” giá. Hiện tại, hồ tiêu Việt Nam có mặt ở 73 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu chiểm khoảng 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu, khẳng định vị trí số 1 trên thị trường.


Thuận lợi của ngành hồ tiêu, theo ông Đỗ Hà Nam, trước hết là năm nay, sản lượng hồ tiêu của các nước Brazil, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… đều giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng mạnh. Mỹ là nước nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Các nước đông dân như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan, Iran… nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu cũng tăng cao. Cung thấp hơn cầu, đã đẩy giá hồ tiêu trên thị trường thế giới tăng mạnh và giá trong nước cũng tăng theo. Mặt khác, chất lượng hồ tiêu trong nước gần đây cải thiện đáng kể từ khẩu sản xuất, thu hoạch, đến chế biến… Nhiều nhà máy tích cực đầu tư công nghệ chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, tạo được “thương hiệu” cho hồ tiêu Việt Nam trên thương trường quốc tế. Đặc biệt giá tiêu xuất khẩu của ta vừa phải, hợp lý nên được khách hàng nhiều nước ưa chuộng.


Lợi thế mà hồ tiêu Việt Nam đang có, ngoài nguyên nhân khách quan từ cung - cầu thế giới, còn có nguyên nhân là ngành hàng hồ tiêu đã kiên trì giữ vững sự ổn định trong sản xuất, sự phát triển trong kinh doanh suốt những năm khó khăn vừa rồi. Vì thế, khi sản lượng hồ tiêu các nước khác suy giảm mạnh, thì hồ tiêu Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế số 1 trên thị trường thế giới. Tại những hội nghị quốc tế mới đây, hồ tiêu Việt Nam đều được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao. Tại Hội nghị các thị trường nguồn do IPC tổ chức, Việt Nam cũng được đánh giá là có vai trò quyết định trong việc phối hợp với các nước thành viên IPC để giữ giá tiêu ổn định ở mức cao. Sắp tới, với việc một số doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đã vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy để thu mua hạt tiêu, chế biến đưa về nước tiêu thụ trong nước họ, hồ tiêu Việt Nam cũng sẽ lần đầu tiên đột phá được vào hai thị trường khó tính này.


Dù giá đang cao, nhưng theo khuyến cáo cuả Cộng đồng hồ tiêu quốc tế, không nên mở rộng diện tích trồng tiêu để tranh xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, khiến cho giá tiêu lại rớt xuống thấp như cũ. Theo ông Nam, để nâng cao vị thế hồ tiêu Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học) để đầu tư chuyển giao công nghệ chế biến hồ tiêu cho nông dân, nâng cao năng suất và chất lượng nhằm tạo ra những sản phẩm có giá cả cạnh tranh./.

http://www.vov.org.vn/



Báo cáo phân tích thị trường