Nhìn chung, các sản phẩm rau quả sẽ có mức giảm thuế khá lớn trong các cam kết giảm thuế của Việt Nam trong khuôn khổ WTO. Thuế suất đối với mặt hàng táo, lê, nho tươi sẽ giảm ngay lập tức từ 40% xuống 20% và xuống 10% sau 5 năm. Mức thuế tối huệ quốc (MFN) đối với sản phẩm nho khô hiện tại là 40% cũng sẽ được giảm xuống còn 25% và sau 5 năm giảm xuống còn 13%.
Trong khi đó, mặc dù ngành rau quả của Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cả về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường…song vẫn còn nhiều yếu kém rất cơ bản. Trước hết, đó là vấn đề về chất lượng. Chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam hiện nay chưa cao. Nhiều giống rau quả của Việt Nam hiện nay chỉ phù hợp với thị trường trong nước chứ chưa thích hợp cho xuất khẩu. Việt Nam chưa phát triển được các bộ giống phong phú với các loại rau quả để phục vụ cho thị hiếu đa dạng của thị trường nội địa và xuất khẩu, tiêu dùng tươi hay phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Ngòai ra, các vấn đề về bảo quản, đóng gói, chế biến sau thu hoạch vẫn là những hạn chế cố hữu trong ngành này, khiến cho chất lượng và giá cả của rau quả Việt Nam không có sức cạnh tranh cao.
Có thể thấy mức độ ảnh hưởng của các cam kết mở cửa thị trường trong WTO, và đặc biệt là trong FTA ASEAN- Trung Quốc, đối với ngành rau quả của Việt Nam trong quá trình hội nhập là khá gay gắt và chủ yếu tập trung vào những loại quả ôn đới, quả có múi. Ngòai ra, điểm đáng chú ý nhất của tác động này chính là phạm vi ảnh hưởng của chúng tới những bộ phận nông dân, khu vực địa bàn nông thôn là rất lớn. Do vậy, đối với lĩnh vực sản xuất này, Việt Nam rất cần phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất trong nước để có thể nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm được sản xuất và đời sống cho người nông dân.