Trong khi đó, dịch tai xanh cũng đang có những diễn biến phức tạp. TS. Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trả lời phỏng vấn cung quanh vấn đề này.* Thưa Cục trưởng, liệu đợt tái phát lần này có thể dẫn tới sự biến đổi của chủng virus cúm gia cầm ở Việt Nam?
- Đến thời điểm này theo ghi nhận của chúng tôi virus cúm gia cầm tại Việt Nam chưa cớ sự biến đổi. Tuy nhiên, chúng tôi đang rất lo ngại một đợt dịch mới sẽ bùng phát trên phạm vi cả nước trong thời gian tới vì các năm trước, dịch bệnh cũng thường bùng phát vào thời điểm này.
Hơn nữa, hiện ở đồng bằng sông Cửu Long đã có ổ dịch tái phát tại Trà Vinh. Các tỉnh miền bắc cũng có nguy cơ tái phát dịch rất cao vì thời tiết bắt đầu chuyển lạnh sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm tồn tại và phát triển.
Tôi được biết một số địa phương khác cũng phát hiện gia cầm chết nhưng chưa rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, nguy cơ từ đàn gia cầm nhập lậu qua biên giới cũng rất đáng lo ngại vì thời gian gần đây các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục bắt giữ được gia cầm thịt, gia cầm giống nhập lậu vào nước ta.
* Công tác chuẩn bị để đối phó với khả năng dịch bệnh có thể tái phát mạnh trong thời gian tới đã được thực hiện như thế nào?
- Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đôn đốc, chỉ đạo các địa phương trong cả nước thực hiện chiến dịch tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2007 cho đàn gia cầm đạt kết quả cao nhất và tiếp tục áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng chống dịch theo quy định. Theo kế hoạch, cuối tháng 10, đầu tháng 11 các địa phương sẽ triển khai công tác tiêm phòng, nhưng đã có nhiều địa phương triển khai sớm.
Đến thời điểm này đã có 32 tỉnh, thành phố triển khai công tác tiêm phòng đại trà với tổng số gần 46 triệu con gia cầm các loại được tiêm phòng. Cục Thú y đã cấp phát gần 90 triệu liều vắc xin cho các địa phương và đang tiếp tục thống kê nhu cầu của các địa phương về các loại vắc xin, thuốc sát trùng để chuẩn bị sẵn.
* Ổ dịch cúm gia cầm vừa tái phát ở Trà Vinh lại tiếp tục xảy ra trên đàn vịt đã 3 tháng tuổi mà vẫn chưa được tiêm phòng. Điều này chứng tỏ công tác tiêm phòng chưa được nhiều địa phương thực hiện triệt để, thực trạng này sẽ được chấn chỉnh như thế nào?
- Đó là hậu quả của việc trên thì sốt sắng nhưng dưới địa phương vẫn "bình chân như vại". Vì vậy, tôi cho rằng chính quyền các cấp ở địa phương phải có trách nhiệm trong việc thực hiện và đôn đốc tổ chức thực hiện tiêm phòng ở địa phương mình. Chúng tôi đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc Chủ tịch tỉnh nào không thực hiện tốt công tác tiêm phòng và để dịch bệnh tái phát.
* Cùng với nguy cơ cao tái phát dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh cũng đang có những diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết cụ thể hơn?
- Hiện nay cả nước có ba địa phương đang có dịch "tai xanh”, song nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan ra các địa phương khác là rất cao. Tại Cà Mau dịch vẫn dai dẳng, kéo dài. Tại Khánh Hoà, dịch lây lan rộng và khó kiểm soát, đặc biệt là tại 2 huyện Cam Lâm và Diên Khánh. Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hoà đã có 40 thôn của 23 xã phường thuộc bốn huyện, thành phố có dịch tai xanh với tổng số trên 2.000 con lợn đã bị chết và tiêu hủy.
Miền bắc cũng rất lo vì mới đây nhất ở Hải Dương, ổ dịch "tai xanh" tái phát trên đàn lợn nái của một hộ chăn nuôi tại xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, cho thấy vi rút vẫn tồn tại trong môi trường, lưu hành trên đàn lợn và bất cứ nơi nào cũng có nguy cơ phát dịch.
Đáng lo ngại hơn nữa là hiện nay giá lợn thịt, lợn giống đang rất cao nên số đông hộ chăn nuôi không "thiết tha" với mức đền bù 10.000 đồng/kg lợn khi bị tiêu hủy. Do đó, nếu dịch xảy ra, sẽ khó tránh khỏi tình trạng người dân tìm cách bán chạy, bán tháo gia súc mắc bệnh, làm cho tình hình dịch bệnh càng khó kiểm soát.
Vì vậy chúng tôi đề nghị các địa phương phải ráo riết việc giám sát tình hình lại địa phương. Nếu phát hiện ổ dịch, cần nhanh chóng bao vây ổ dịch, tiêu hủy gia súc mắc bệnh đồng thời giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc trên địa bàn. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, lực lượng cơ sở sát sao, đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật và tài chính thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát.
* Xin cảm ơn ông!