Dầu mỏ giảm giá kéo theo giá cao su thiên nhiên giảm xuống. Bên cạnh đó, đồng yên tăng giá làm cho các loai hàng hoá tính bằng đồng yên, trong đó có cao su TOCOM, giảm xuống. Đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng Yên trong 18 tháng qua trước những lo ngại liên quan đến những tổn thất tín dụng tại các công ty tài chính Mỹ, làm hạn chế nhu cầu đối với các hoạt động “carry trade”.
Ngày 12/11, giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo (TOCOM) đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng theo xu hướng giá dầu mỏ và các hàng hoá khác, với hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2008 đã tăng lên 307,5 yên/kg.
Giao dịch cao su tuần này dự kiến sẽ sôi động bởi giá giảm hấp dẫn người mua. Cũng vì thế, giá cao su sẽ không thể giảm mạnh cho dù sản lượng có tăng lên.
Trên thị trường physical, giá cao su thiên nhiên tiếp tục cao, với Singapore và Malaysia trở lại thị trường sau một ngày nghỉ, song giá cao vẫn cầm chân khách hàng ở ngoài thị trường. Trung Quốc muốn mua hợp đồng kỳ hạn gần và trả giá thấp hơn nhiều so với giá chào bán. Trung Quốc đã mua cao su SIR20 của Indonexia kỳ hạn tháng 1/08 bởi giá rẻ hơn so với cao su STR20 của Thái lan và SMR20 của Malaysia. Các nhà sản xuất lốp xe đã mua cao su RSS3 của Thái Lan với giá 2,55 USD/kg, kỳ hạn tháng 2/08.
Nguồn cung trên thị trường physical tiếp tục khan hiếm bởi Thái Lan và Malaysia vẫn mưa, trong khi Indonexia khô hạn, song việc khách hàng không hào hứng tham gia mua vào do giá cao khiến giá giảm xuống. Dự báo phải đến tháng 12 Thái Lan và Malaysia mới hết mưa. Trại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, dự trữ cao su đã tăng 7% lên 101,61 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 8/11.
Tuy giá cao su đang giảm, song vẫn ở mức cao, và các nhà phân tích dự báo giá sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay do khách hàng khắp nơi trên thế giới đua nhau tìm mua cao su tự nhiên, trong khi các nước sản xuất chủ chốt đang chật vật để tăng sản lượng.
Mặc dù cung cầu cao su thế giới năm nay dường như ở trong thế tương đối cân bằng, nhưng cầu sẽ vượt cung ngay vào đầu năm tới, do hàng loạt nhân tố cản trở các nước sản xuất cao su tự nhiên chủ chốt thế giới như Thái Lan, Malaysia và Indonexia tăng sản lượng. Đó là sự chậm trễ trong trồng cao su do thời tiết diễn biến thất thường, đất canh tác bị hạn chế, nguồn cung lao động bị thắt chặt, chi phí trả lương cao.
Ông Jom Jacob, nhà kinh tế cao cấp của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên, nhận định tất cả các nhân tố đều nghiêng về quan điểm giá cao su sẽ còn tăng cao, ít nhất là cho tới 2012.
Giá cao su thiên nhiên đã tăng gấp 4 lần kể từ khi ở mức thấp nhất trong 30 năm qua vào năm 2001, do nguồn cung dư thừa quá mức. Một số nhà phân tích dự báo giá cao su sẽ tăng 18% lên 3 USD/kg vào năm tới do nhu cầu vẫn mạnh, nhất là từ Trung Quốc. Dự báo năm tới, tiêu thụ cao su toàn cầu có thể lên tới 10,1 triệu tấn.
Diễn biến giá cao su physical:
Giá cao su physical:
Loại | 16/11 | 6/11 |
Thai RSS3 (12/07) | 2,45 USD/kg | 2,60 USD/kg |
Thai STR20 (12/07) | 2,35 USD/kg | 2,50 USD/kg |
Malaysia SMR20 (12/07) | 2,32 USD/kg | 2,48 USD/kg |
Indonesia SIR20 (12/07) | 1,04 USD/lb | 1,10 USD/lb |