Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thế giới tuần qua: giá tăng cao kỷ lục
14 | 11 | 2007
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo (TOCOM) đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng qua theo xu hướng giá dầu mỏ và các hàng hoá khác. Tại TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2008 đã tăng lên 307,5 yên/kg, mức cao nhất đối với bất cứ một hợp đồng nào kể từ ngày 4/7/2006.

Các thương gia dự báo giá cao su có thể sẽ tăng trở lại ngưỡng 324,5 yên/kg ghi được hồi tháng 6 năm ngoái, bởi giá dầu mỏ tăng cao kéo giá các loại hàng hoá khác tăng theo. Dầu tăng giá khiến cao su thiên nhiên trở nên hấp dẫn hơn so với cao su tổng hợp - một sản phẩm hoá dầu cùng biến động theo giá dầu mỏ.

Trên thị trường physical, giá cao su tiếp tục tăng do mưa kéo dài ở Thái lan và Malaysia – hai nước sản xuất chủ chốt trên thế giới. Khả năng xu hướng giá tăng sẽ còn kéo dài trong những ngày còn lại của tuần này.

Hoạt động giao dịch ở Indonexia, nước sản xuất cao su lớn khác, vẫn sôi động bởi giá cao su của họ, nhất là loại SIR20, rẻ hơn đã hấp dẫn các công ty sản xuất lốp xe, đặc biệt là những khách hàng đến từ Trung Quốc – khách hàng lớn nhất thế giới. Sản lượng lốp xe chiếm khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ cao su ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các thương gia Indonexia không thể ký những hợp đồng lớn bởi nguồn cung sụt giảm vì mưa. Hoạt động khai thác mủ cao su ở Medan, khu vực trồng cao su chủ chốt của Indonexia ở phía Bắc Sumatra, bị gián đoạn do mưa dài ngày. Trong khi đó ở Palembang, khu vực trồng cao su chủ chốt của nước này ở phía nam, bước vào mùa đông - thời điểm cây cao su cho ít mủ hơn. Ngoài Trung Quốc, các nhà sản xuất lốp xe châu Âu và Nhật Bản cũng đang có mặt trên thị trường physical, song chỉ dám mua với khối lượng nhỏ bởi giá cao. Các quỹ hàng hoá muốn mua cao su các kỳ hạn tháng 3 và 4 năm tới, bởi khi đó nguồn cung thường rất thấp, khi sản lượng giảm ở các nước sản xuất lớn.

Tháng 10, các hãng sản xuất lốp xe lớn như Michelin, Bridgestone và Goodyear đang tích cực mua hàng vào, bất chấp giá cao. Song Trung Quốc và những người tiêu dùng khác thì có vẻ khó mua, nhất là cao su Thái lan. Khách hàng Trung Quốc tiếp tục chờ đợi.

Người sử dụng cao su ở Trung Quốc đã mua khá nhiều cao su vào tháng 9 để dự trữ, song sau đó họ chỉ mua cầm chừng bởi giá cao, do vậy dự trữ ở nước này chắc cũng không còn nhiều. Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 162.119 tấn cao su thiên nhiên trong tháng 9, giảm 4,1% so với cùng tháng năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tăng 0,2% lên 1.189.268 tấn. Sản lượng cao su thiên nhiên thường đạt đỉnh điểm vào tháng 11 và 12 ở Đông Nam Á, và khi đó Trung Quốc tranh thủ mua với khối lượng lớn để tích trữ.

Bà Trần Thị Thuý Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, xuất khẩu cao su Việt Nam có thể không đạt mục tiêu 780.000 tấn trong năm nay do khó khăn về nguồn cung ở các nước láng giềng, làm giảm lượng nhập khẩu. Song Việt Nam sẽ vẫn sản xuất 600.000 tấn cao su trong năm nay, tăng so với 553.500 tấn năm 2006. Việt nam xuất khẩu 80% sản lượng mủ cao su của mình và mua cao su từ Thái lan, Campuchia và Indonexia để tái xuất khẩu. Khoảng 64% lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA), ông Luckchai Kittipol, dự báo sản lượng cao su nước này năm nay sẽ giảm khoảng 1,5% xuống 3 triệu tấn do mưa lớn và diện tích trồng cao su giảm xuống. Hiện vẫn chưa rõ sản lượng năm tới sẽ như thế nào, vì điều đó còn phụ thuộc vào thời tiết, song chắc chắn sản lượng sẽ tăng vào năm 2009, nhờ những diện tích trồng cao su từ mấy năm trước sẽ cho thu hoạch trong vài năm tới.Nhu cầu cao su thiên nhiên từ thị trường Nhật Bản năm nay giảm xuống, nhưng tiêu thụ của Trung Quốc và Ấn Độ lại rất mạnh.

Ông Luckchai cùng phái đoàn Thái Lan, bao gồm Uỷ ban Thương mại hàng hoá Nông sản Kỳ hạn Thái lan đã tới Trung Quốc tham dự một hội nghị tại Sở giao dịch Hàng hoá Tokyo, với mục tiêu khuyến khích tiêu thụ cao su Thái Lan ở các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Luckchai bày tỏ sự lo ngại khi thấy nhu cầu cao su ở Nhật bản năm nay giảm sau mấy năm qua nhập khẩu liên tục tăng. Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Thái Lan vào Nhật Bản đã giảm trên 24% trong giai đoạn tháng 1-7/2007 so với cùng kỳ năm ngoái, do xu hướng chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp.

Dự báo giá cao su Thái Lan sẽ còn tăng hơn nữa trong tháng 11 do mưa làm giảm nguồn cung. Trong tương lai, các thương gia trên thị trường cao su thô sẽ theo dõi diễn biến giá dầu thô và các thị trường tài chính trước khi mua hàng kỳ hạn. Hiện giá cao su trên thị trường thế giới đã cao gấp 4 lần so với mức giá hồi 2001- mức thấp nhất của 30 năm. Một số nhà phân tích dự báo giá cao su có thể tăng khoảng 18% lên 3 USD/kg vào năm tới.

Giá cao su physical:

Loại
9/11
1/11
Thai RSS (312/07)
2,60 USD/kg
2,55 USD/kg
Thai STR20 (12/07)
2,50 USD/kg
2,45 USD/kg
Malaysia SMR20 (12/07)
2,48 USD/kg
2,43 USD/kg
Indonesia SIR20 (12/07)
1,12 USD/lb
1,09 USD/lb



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường