Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vinamit nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu
18 | 12 | 2007
- Mít là cây trồng chủ yếu để ăn chơi, chưa được sự chú ý của nhà nông và ngành nông nghiệp quan tâm. Nhưng giờ đây đã có rất nhiều sự thay đổi.

Khá lên nhờ “mít nội”

Thời gian qua, khi công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển, cây mít được trồng đại trà, hình thành các vùng chuyên canh và trái mít được đưa vào chế biến, trở thành nguồn thu nhập quan trọng của một bộ phận bà con nông dân khu vực phía Nam.

Mít đang được trồng tập trung tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắc Lắc... với diện tích lớn nhất nước.

Hơn 10 năm qua, Công ty Vinamit phối hợp với các viện, trường tuyển chọn các giống mít nghệ, mít dừa của Việt Nam (VN) thành các bộ sưu tập, tổ chức hàng năm cuộc thi trái mít ngon trong nông dân, tìm các cây mít tổ và ươm chiết, ghép cây. Sau khi đã cung cấp các giống mít này cho bà con nông dân, Công ty Vinamit, đơn vị duy nhất đang hợp đồng bao tiêu sản phẩm mít lâu dài trong 8 năm (với giá sàn tương đương 1kg gạo, nhưng đến nay vẫn mua theo giá thị trường).

Hiện nay, mỗi ngày Công ty Vinamit mua khoảng 60 tấn mít múi, tương đương khoảng 300 tấn trái vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đến hết tháng 11, Vinamit đã mua hơn 50.000 tấn mít trái để chế biến thành mít sấy.

Bình quân 1ha đất trồng được hơn 200 cây, từ năm thứ 3 đến thứ 5, mỗi cây mít thu hoạch 80-100 trái/năm. Với khoảng 10 kg/trái, 1ha trồng mít thu hoạch trên 140 tấn trái/năm, giá mua 1.800 đồng/kg hơi (mít trái), bà con có thể thu hoạch 250 – 300 triệu đồng/ha/năm, con số này cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần mà lại nhàn hạ hơn.

Khó vì “mít ngoại”

Trang trại trồng gần 120ha mít ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Nhiều hộ dân ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã và đang sử dụng giống mít từ Malaysia, nhất là Thái Lan (do một số công ty cung cấp giống) để trồng do có năng suất cao, trái đẹp và múi to hơn. Đây là giống được Thái Lan lai tạo để ăn tươi và đóng hộp (ngành đóng hộp trái cây Thái Lan cùng thế giới đã suy giảm).

Trong khi nhu cầu ăn tươi đối với trái mít ở VN chỉ khoảng 10% sản lượng thu hoạch, 90% mít thu hoạch dùng chế biến (sấy) tại các công ty thực phẩm. Hạn chế đặc biệt của mít giống ngoại nhập là cây giống biến đổi gien nên múi mít không thể dùng cho việc sấy khô. Múi mít không có lớp vỏ lụa, bị làm giảm bớt nồng độ mùi, khi sấy lên bị đen, cứng và nhạt, không còn hương vị đặc thù như mít nghệ VN.

Việc phổ biến và đưa vào trồng tràn lan các loại mít ngoại (chiếm vài chục phần trăm diện tích) đang phá vỡ các vùng trồng mít Nghệ hiện có của nông dân. Ảnh hưởng đầu tiên của việc này là các công ty sản xuất từ chối mua sản phẩm mít Thái nói riêng và mít ngoại nói chung. Nếu không được nhìn nhận đúng mức, tác động của việc này lên đời sống kinh tế của nông dân và ngành công nghệ mít sấy thực phẩm VN sẽ rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, Vinamit - công ty hàng đầu VN trong lĩnh vực trái cây sấy tiếp tục mua mít múi (giống trong nước) với giá 10.000đồng/kg, đúng cam kết lâu dài với người nông dân. Các nhà máy và kho lạnh cấp đông của Vinamit đang hoạt động ở công suất cao, với mức tiêu thụ khoảng 40 tấn mít múi (200 tấn mít trái)/ngày.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho biết, vùng nguyên liệu của Vinamit có thể tự chủ trên 50%, nhưng thị trường còn rất lớn, để đảm bảo cho mức tăng trưởng trên 50%/năm cần có vùng nguyên liệu phát triển ổn định, đúng giống. Có thể nói, Vinamit là công ty tiên phong trong việc nâng cao giá trị nông sản thông qua việc tìm thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản rất bình dân như mít, khổ qua, khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai mỡ, hạt bí, hạt sen, điều nhân, đậu cô ve, cà rốt… dạng sấy khô (khoảng 25 loại nông sản). Hiện nay có thêm thương hiệu V- coffee (cà phê 3 trong 1, 2 trong 1). Sắp tới là rau sạch cấp đông nhanh để xuất khẩu, với vùng nguyên liệu ban đầu tại Hải Dương.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường