Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghiên cứu ngành sữa Việt Nam
26 | 12 | 2007
Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh mẽ với tốc độ “thần tốc” kéo theo mức thu nhập, mức sống của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Nếu trước đây thành ngữ “ăn no mặc ấm” là ước mơ của nhiều người thì hôm nay, khi đất nước đã gia nhập WTO lại là “ăn ngon mặc đẹp” ..


Tiềm năng và khởi sắc?

Sữa và các sản phẩm từ sữa đã gần gũi hơn với người dân, nếu trước những năm 90 chỉ có 1-2 nhà sản xuất, phân phối sữa, chủ yếu là sữa đặc và sữa bột ( nhập ngoại), hiện nay thị trường sữa Việt Nam đã có gần 20 hãng nội địa và rất nhiều doanh nghiệp phân phối sữa chia nhau một thị trường tiềm năng với 80 triệu dân. Nhìn vào biểu đồ ta thấy tổng lượng tiêu thụ sữa Việt Nam liên tục tăng mạnh với mức từ 15-20% năm, theo dự báo đến năm 2010 mức tiêu thụ sữa tại thị trường sẽ tăng gấp đôi và tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2020.
Về mức tiêu thụ sữa trung bình của Việt Nam hiện nay khoảng 7,8 kg/người/năm tức là đã tăng gấp 12 lần so với những năm đầu thập niên 90. Theo dự báo trong thời gian sắp tới mức tiêu thụ sữa sẽ tăng từ 15-20% ( tăng theo thu nhập bình quân). Sản phẩm sữa là sản phẩm dinh dưỡng bổ sung ngoài các bữa ăn hàng ngày, với trẻ em, thanh thiếu niên và những người trung tuổi – sữa có tác dụng lớn hỗ trợ sức khỏe. Trên thị trường có rất nhiều loại bột ngũ cốc, đồ uống tăng cường sức khỏe… nhưng các sản phẩm này về chất lượng và độ dinh dưỡng không hoàn toàn thay thế được sữa.

Phần đầu "chuỗi giá trị" 1

Việt Nam là nước nông nghiệp trong đó bò là động vật phục vụ sản xuất rất tốt, khoảng vài chục năm trở lại đây bò sữa mới trở nên quen thuộc với người dân qua nhiều dự án phủ rộng diện tích đàn bò làm nguyên liệu. Cho đến cuối năm 2006, nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào trong nước chỉ đảm bảo khoảng 20%, những dự án nuôi bò thất bại đã khiến nguồn cung đầu vào đã ít còn thêm khan hiếm ( hai trung tâm nghiên cứu, nuôi bò với quy mô lớn là Ba Vì – Hà Tây, Mộc Châu – Sơn La và một số trung tâm nuôi bò sữa ở ven TP. HCM, các tỉnh lân cận), các nhà máy sữa chỉ còn trông chờ vào 80% nguồn nguyên liệu nhập ngoại từ các nước Úc, Newziland, Mỹ, Ấn Độ… và nguồn này hoàn toàn là sữa bột nguyên liệu. Phải nói thêm một trong những lý do khiến các dự án bò sữa đi vào ngõ cụt là giá thu mua sữa của các nhà máy tại Việt Nam luôn thấp hơn giá thị trường của thế giới, khi các dự án đã thất bại, giá thu mua nguyên liệu lại nhảy vọt lên gấp 2 lần trong thời gian ngắn2 .

Một dây chuyền sản xuất sữa có giá trị trung bình khoảng vài chục tỷ, đó là một khoản đầu tư không nhỏ chưa tính đến các chi phí xây dựng nhà máy. Qua hình 1 ta thấy công đoạn quản trị chất lượng (KSC) nguyên liệu đầu vào và đầu ra là hết sức quan trọng vì nó ảnh hướng đến chất lượng của người tiêu dùng, sữa đầu vào nguyên liệu đã ít nhưng chất lượng không đảm bảo nên có nhiều nhà máy khi thu mua sữa tươi về phải bỏ đi vì chất lượng kém, không qua được KCS đầu vào gây thất thu. Trong khi sản xuất, việc pha chế các sản phẩm từ sữa cũng còn nhiều bất cập vì các tỉ lệ vitamin, chất dinh dưỡng được pha trộn theo hàm lượng, có thông tin đầy đủ trên bao bì, nhưng quy trình pha chế vẫn là "bí mật" với nhiều công ty, bản thân người tiêu dùng muốn tìm hiểu cũng mù mờ vì chỉ biết có những chất đó, quy trình đó mà không biết liệu chúng có được pha chế đúng hàm lượng, đúng quy cách kỹ thuật hay không. Và bản thân những nhân viên KCS đầu ra của các công ty sữa cũng gặp phải nhiều khó khăn trong khâu kiểm định chất lượng sữa.

Hình 1: Quy trình sản xuất sữa
quytrinhsua.jpg
Nguồn: Tự mô phỏng

Nguồn cung nguyên liệu không ổn định, chất lượng chưa được đảm bảo nên hầu hết nguồn sữa này được tiêu thụ trực tiếp qua các cửa hàng sữa tại các thành phố lớn, còn các công ty sữa sử dụng nguồn sữa nhập ngoại để chế biến những sản phẩm của mình, trên thị trường hiện tại có các sản phẩm chính như sau: (i) Sữa lỏng (Liquid Milk)-bao gồm sữa tươi, sữa đặc, (ii) Sữa bột (Powder Milk), (iii) Sữa chua (Drink Yoghurt) và (iii) Sữa có đường giành cho trẻ em(Sweetened Children Milk). Riêng với sản phẩm sữa lỏng, giai đoạn giữa và cuối năm 2006, hàng loạt công ty sữa đã phải công bố họ đã vi phạm quy cách giới thiệu sản phẩm khi ghi trên nhãn của mình là “sữa tươi nguyên chất” hay “sữa tươi tiệt trùng” đều là những sản phẩm chế biến từ “sữa gầy” (skim milk powder hay recombined milk products). Dòng sản phẩm này chiếm ¾ thị phần tiêu thụ của ngành, nhiều năm trời người tiêu dùng phải uống sữa “giả tươi””-một phương pháp kinh doanh đầy lợi nhuận bất chấp tất cả những giá trị đạo đức, văn hóa3.

Khi sữa thành phẩm đã xong, các doanh nghiệp sữa phải sử dụng vỏ hộp đạt tiêu chuẩn để dễ dàng vận chuyển và bảo quản, hiện nay thị trường chỉ có hai nhà cung cấp độc quyền là Tetra Park-Thụy Điển và Combiblock-Đức, hai doanh nghiệp này còn là hai nhà cung cấp phần lớn dây chuyển sữa ở Việt Nam. Họ là những doanh nghiệp nước ngoài, bán, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ phục vụ chủ yếu cho các doanh nghiệp trong nước nhưng họ rất quan tâm,nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm thường xuyên và nó cũng là một sản phẩm của họ.

Liệu có gì bất thường đón đợi ở phần sau?
[1] (Value Chain). M. Porter. Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance.1980
[2] Tuổi trẻ online. Ngày 13 tháng 8 năm 2007
[3] Vương Quân Hoàng. Văn minh làm giàu & Nguồn gốc của cải. NXB Chính Trị Quốc Gia. 2007. Trang 76

Liên hệ với người đăng tin: An Thu Hằng, e-mail: anthuhang@agro.gov.vn


Nguyễn Trí Đạt - Bài viết hợp tác AGROINFO và SAGA
Báo cáo phân tích thị trường