Giám đốc WTO Pascal Lamy cho biết tổ chức này không thể đưa ra được giải pháp trước mắt để góp phần giải quyết tình trạng giá lương thực đang tăng vọt, nhưng khẳng định việc kết thúc thành công vòng đàm phán thương mại Doha sẽ giúp làm giảm giá lương thực qua việc hạ thấp các rào cản trong buôn bán nông sản, trong đó có việc trợ cấp nông sản tại các nước giàu.
Ông P. Lamy nói: "Tuy WTO không thể đưa ra giải pháp khẩn cấp để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, nhưng tổ chức này có thể, thông qua vòng đàm phán Doha, mang lại những giải pháp trung và dài hạn".
Phát biểu tại cuộc họp của hội đồng hoạch định chính sách WTO vào hôm qua, ông P. Lamy nói, để đáp ứng mục tiêu trong năm nay kết thúc vòng đàm phán Doha đã diễn ra trong thời gian dài, WTO cần có sự đột phá trong những tuần tới.
Ông nói: "Như mọi người đều biết, kết quả chung sẽ là các thị trường trên thế giới sẽ ít "méo mó" hơn và kim ngạch trao đổi thương mại quốc tế sẽ tăng, dẫn tới sự điều chỉnh nhanh và hiệu quả hơn của phía cung đối với những thay đổi về phía cầu".
Nhiều quốc gia đã đối phó trước việc giá lương thực tăng bằng cách áp đặt thuế và các hạn chế xuất khẩu khác đối với mặt hàng này trong khuôn khổ những quy định được phép của WTO, nhằm bảo đảm đủ nguồn cung trong nước.
Hôm qua, Bangladesh thông báo nước này đã cấm xuất khẩu các loại gạo trừ gạo thơm trong sáu tháng để bảo đảm nguồn cung trong nước.
Ấn Độ cũng đã hạn chế xuất khẩu gạo.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ N. Kumar cho biết, vào tháng 6 tới, nước này sẽ quyết định có bán gạo cho các nước láng giềng đang cần mua hay không, nhưng nước này không có kế hoạch sớm nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu lương thực.
Từ đầu năm đến nay, giá gạo tại châu Á đã tăng gấp ba lần.
Giá gạo đã tăng hơn 2% từ đầu tuần đến nay tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ, do các nhà đầu tư lo ngại thiệt hại về mùa màng do cơn bão Nargis tràn qua vựa lúa Irrawaddy gây ra có thể biến Myanmar từ nước xuất khẩu thành nước phải nhập khẩu gạo.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), mùa màng bị thiệt hại lớn do bão tràn qua Myanmar không những có thể làm hỏng kế hoạch xuất khẩu 600 nghìn tấn gạo trong năm 2008 của quốc gia Đông Nam Á này mà còn buộc nước này sẽ phải nhập khẩu.
Chính quyền Myanmar vẫn khẳng định nước này có đủ gạo dự trữ để cung cấp cho người dân, nhưng giá gạo tại nước này đã tăng gấp đôi kể từ khi bão Nargis tràn qua nước này vào hôm thứ bảy vừa qua.
Đầu tuần này, giá gạo của Thái-lan tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago của Mỹ đã giảm khoảng 10% so với mức cao kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn vào tháng trước, sau khi Philippines bỏ việc đấu thầu mua 675.000 tấn.
Thái-lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cho biết, các nhà cung cấp gạo đang thương lượng để bán 95 nghìn tấn cho Sri Lanka và Đông Timor.