Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cân đối lượng gạo xuất khẩu những tháng cuối năm 2008
23 | 09 | 2008
Trong tuần qua, mưa nhiều, lũ lên nhanh đã khiến giá thu mua lúa khô tiếp tục giảm xuống 4.000-4.200 đồng/kg; lúa ướt chỉ đạt 3.000-3.200 đồng/kg. Thậm chí tại những vùng giao thông không thuận tiện, giá lúa khô tiếp tục giảm xuống 3.800-3.900 đồng/kg, lúa ướt chỉ đạt 2.700-2.800 đồng/kg, trong khi giá thành để sản xuất lúa khoảng 4.000 đồng/kg. Như vậy, trong suốt hơn 1 tháng qua, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL liên tục giảm, ngay cả khi có yêu cầu thu mua lúa của Chính phủ với mức 5.000 đồng/kg trở lên để đảm bảo lãi 40% cho nông dân. Có rất nhiều nguyên nhân tác động làm giảm giá lúa như hiện nay.

Doanh nghiệp “sợ” mua lúa:


Doanh nghiệp không có khả năng thu mua nhiều lúa để tích trữ do không có kho tích trữ và lãi suất ngân hàng cao dù đã được vay vốn ưu đãi. Nếu vay với lãi suất 14-15%/năm như hiện nay thì mỗi tháng doanh nghiệp phải chi thêm 12-15 USD/tấn gạo. Hơn nữa, thực tế, hầu hết các doanh nghiệp là thu mua gạo nguyên liệu chứ không thu mua lúa (90% lượng lúa trong dân đều do tư thương đảm nhận thu mua và bán lại cho các doanh nghiệp) nên nông dân phải bán lúa qua nhiều khâu trung gian, tác động làm giảm giá thu mua lúa trực tiếp từ nông dân. Một nguyên nhân khác là giá gạo lúa hè thu bao giờ cũng thấp hơn so với giá lúa gạo đông xuân, do thu hoạch vụ hè thu vào mùa mưa, hệ thống kho sấy còn thiếu và không đáp ứng được nhu cầu phơi sấy của bà con nông dân, nên gạo có độ ẩm cao, chất lượng thấp.


Gạo xuất khẩu Việt Nam đang bị “ép giá”


Thị trường lúa gạo trong nước hiện nay phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu gạo. Chỉ khi nào xuất khẩu mạnh thì lúa gạo hàng hoá trong doanh nghiệp và trong dân mới thoát khỏi ứ đọng. Nhưng thị trường gạo xuất khẩu đang bị hạn chế đầu ra. Các nhà kinh doanh gạo cho biết, hiện nay tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, hầu như không có tàu cập cảng mua gạo, mặc dù các hợp đồng gạo vẫn chưa giao đủ hàng. Nguyên nhân có thể là do giới kinh doanh gạo nước ngoài nắm bắt được sản lượng lúa hè thu của Việt Nam hiện đang còn nhiều và ứ đọng nên họ không muốn thu mua gạo ngay, tiếp tục chờ giá xuống thấp hơn nữa mới thực hiện thu mua. Chính động thái này đã tạo áp lực giảm giá cho các loại gạo xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu 10% tấm và 15% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 560 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn so với mức 560 USD/tấn tại tuần trước. Gạo 25% tấm xuất khẩu giảm 15 USD/tấn so với tuần trước, đạt mức 500 USD/tấn.




Nguồn: Dữ liệu thị trường nông sản AGRODATA, Trung tâm Thông tin PTNNNT, Viện CSCLPTNNNT,
www.agro.gov.vn


Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu thế “đóng băng”


Trong 2 tuần gần đây, thị trường giao dịch gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu thế “đóng băng”, các hoạt động thu mua chậm. Các nước là đối tác thu mua gạo lớn của Việt Nam như Indonesia và Phillipines đang có những động thái làm tác động giảm đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Indonesia (nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới), trong năm 2008 đã đáp ứng được nhu cầu gạo cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2009. Năm 2007, Indonesia đã nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 700.000 tấn gạo, chiếm hơn 30% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Phillipines đã kết thúc mua gạo cho nhu cầu năm 2008 từ tháng 6. Do đó, Phillipines thấy dư thừa cũng đang trả giá thấp nên các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam không muốn bán.


Cân đối lượng gạo xuất khẩu những tháng cuối năm 2008


Tính chung 8 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu 3.013.814 tấn gạo, đạt trị giá 1,789 tỉ USD. Riêng tháng 8/08, Việt Nam xuất khẩu đạt 510.667 tấn, trị giá 390,188 triệu USD (Hiệp hội Lương thực Việt Nam). Luỹ kế xuất khẩu gạo từ ngày 01/1/2008 đến ngày 31/8/2007 đạt 3.211.729 tấn, trị giá đạt 1,941 tỉ USD (FOB).


Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến trong năm 2008 là 4,5 triệu tấn. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3 triệu tấn. Căn cứ trên những hợp đồng đã ký, dự kiến đến hết tháng 9/08, lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng thêm từ 0,2-0,3 triệu tấn. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm 2008, các doanh nghiệp sẽ thu mua xuất khẩu thêm khoảng 1,2-1,3 triệu tấn gạo.


Theo thống kê sơ bộ hiện nay, các địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL như: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vĩnh (11 tỉnh), mỗi tỉnh còn tồn đọng ít nhất 100.000 tấn, nhiều tỉnh tồn đọng từ 500.000-600.000 tấn lúa (An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang). Như vậy, tính sơ bộ số lúa còn tồn đọng trong dân vụ hè thu còn nhiều, cộng thêm với vụ thu đông sẽ thu hoạch trong thời gian tới, thì con số tồn đọng sẽ còn cao hơn nữa.


Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Công Thương đã có văn bản công văn số 7820/BCT-XNK đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2008. Theo đó, Hiệp hội chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tích cực đẩy mạnh giao hàng các hợp đồng đã ký, khẩn trương chốt lại các hợp đồng Chính phủ đã và đang đàm phán, đẩy mạnh việc đăng ký hợp đồng thương mại và khẩn trương thương thảo các hợp đồng Chính phủ mới, với các thị trường mới để đảm bảo tiêu thụ có hiệu quả hàng hoá cho nông dân những tháng cuối năm 2008. Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động điều tiết tiến độ giao hàng các tháng còn lại năm 2008, đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu cả năm là 4,5 triệu tấn, không khống chế mức xuất khẩu từng tháng.

Thực hiện chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thu mua tạm trữ 200 nghìn tấn gạo, trong đó 150 nghìn tấn gạo 15% tấm và 50 nghìn tấn gạo 25% tấm với giá 7.500 đồng/kg. Tuy nhiên, so với giá cả thị trường hiện tại, mỗi kg gạo tạm trữ đã giảm giá 800đồng (500đồng biến động giá cộng thêm 300đồng lãi suất ngân hàng) chưa kể chi phí bảo quản. Hiện tại, tổng công ty đã xuất khẩu được 90 nghìn tấn theo hợp đồng cũ đã ký, bán trong thị trường nội địa được 100 nghìn tấn và đang tích cực tìm kiếm thị trường mới.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp đang tồn đọng trong kho hơn 110.000 tấn lúa, trong khi tỉnh này chỉ được phân bổ 36.000 tấn gạo trong hợp đồng xuất khẩu sang Philippines. Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đang đề nghị VFA phân bổ cho Đồng Tháp thêm chỉ tiêu xuất khẩu cho Philippines trong tháng 9.2008 là 50.000 tấn gạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt lượng gạo tồn kho, từ đó tăng mua vào dự trữ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới thực hiện thu mua được hơn 400 nghìn tấn gạo, đạt 60% kế hoạch đề ra.


-----------------------------------------------------------

Để biết thêm thông tin chi tiết về diễn biến giá cả lúa, gạo trong nước và quốc tế hàng ngày cũng như những phân tích, bình luận, dự báo thị trường gạo, mời quý vị đăng ký đặt mua Bản tin gạo tuần theo mẫu dưới đây.

Tải mẫu đăng ký đặt mua Bản tin gạo tuần tại đây

Xem thông tin về bản tin tại đây

Liên hệ để đặt mua Bản tin theo địa chỉ:

Nguyễn Thị Thu Hà - ĐT: (84.4) 9725153

Email: banhang_agro@yahoo.com

Fax: 844.9725153

Liên hệ với tác giả bài viết:

Nguyễn Trang Nhung - nguyentrangnhung@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường