Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Khát cá tra giống
29 | 09 | 2008
Từ đầu tháng 9/2008 khi cá tra nguyên liệu tăng giá trở lại, dân nuôi cá tra ở ĐBSCL dự liệu bước tiếp theo sẽ tới lượt cá giống hút hàng. Và thế là thương lái rảo khắp các nơi sản xuất cá giống đặt mua... Trong 2 tuần qua, nhiều chủ cơ sở sản xuất cá tra giống cho biết thương lái tới đặt hàng mua với số lượng nhiều. Nhưng đột ngột như vậy cá giống đâu mà bán? So với tháng trước và cùng kỳ năm 2007, cá tra giống đang tăng giá mạnh mẽ.
Hút hàng

Trong 2 tuần qua, nhiều chủ cơ sở sản xuất cá tra giống cho biết thương lái tới đặt hàng mua với số lượng nhiều. Nhưng đột ngột như vậy cá giống đâu mà bán? So với tháng trước và cùng kỳ năm 2007, cá tra giống đang tăng giá mạnh mẽ. Loại cá giống cỡ 1,5 phân (cm) giá 320 - 350 đồng, tăng hơn 100 đồng/con. Cá 2cm từ 650 - 680 đồng tăng 80 đồng/con. Cá trên 2,5cm từ 1.000 - 1.200 đồng, tăng 350 đồng/con. Ông Hai Nắm, chủ cơ sở sản xuất cá tra giống ở An Bình A, Hồng Ngự, Đồng Tháp nói: “Cá tra giống bắt đầu hút hàng, lên giá. Nhưng muốn tăng nhanh số lượng cá giống đảm bảo chất lượng phải mất thêm 2-3 tháng nữa và nhất là cần vốn lớn”.

Sau “khủng hoảng” thông thường sẽ bật ra cơ hội làm ăn mới. Nhưng khi nói chuyện với “người trong cuộc”, nhiều người lại bảo “lực bất tòng tâm”. Ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - nơi tập trung hơn 70 cơ sở sản xuất và vùng ương nuôi cá tra giống rộng gần 560ha, mỗi năm cung cấp dân nuôi cá trong và ngoài tỉnh hơn 9 tỉ cá bột và gần 300 triệu cá tra giống, hiện nay phần nhiều cơ sở cá giống đều than thiếu vốn. Họ nói, đợt cá tra thịt vừa qua “dội chợ” làm người nuôi phát hoảng, treo ao. Cá giống bị vây họa, bán không được lại phải đổ tiền vào thức ăn để duy trì, cầm cự. Đó là chưa nói tới chi phí thức ăn cho đàn cá bố mẹ. Thua lỗ nên bây giờ thành ra thiếu lực.

Từ nay đến cuối năm nếu ngân hàng mở “hầu bao” cho người nuôi cá vay bắt nhịp làm ăn mạnh trở lại thì khả năng sẽ khan hiếm cá giống. Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang (TTGTS An Giang) nhận xét: “Cá tra giống thiếu chỉ là nhất thời do xoay trở không kịp, chứ không phải do đặt hàng nhiều quá. Ngay tại An Giang cũng chưa có hiện tượng thiếu giống trầm trọng.

Năm 2008, An Giang nhu cầu cần 400 triệu cá tra giống thì năng lực của Trung tâm Giống Thuỷ sản An Giang sản xuất 300 triệu cá bột/năm, 10 triệu cá tra giống/năm. Bên cạnh đó, hệ thống hơn 30 cơ sở sản xuất cá giống trong tỉnh cung ứng trên 3 tỉ cá bột, 30 triệu con cá tra giống/năm, nghĩa là thừa khả năng cung ứng cho nhu cầu nuôi cá trong tỉnh".

Tìm giống chất lượng?

Ở ĐBSCL dân nuôi cá tra sau một phen lỗ lã “mất sức” nay đã thấy không khí chuẩn bị ao hầm trở lại. Tuy nhiên, đa số những trang trại vào cuộc là vùng nuôi “sân sau” của những DN có nhà máy chế biến thủy sản XK mới có đủ thực lực vốn khởi động sớm.

Giám đốc một DN chế biến thủy sản tại Cần Thơ thổ lộ: “Hiện nay hầu như DNXK cá tra nào cũng có xu hướng đầu tư vùng nuôi cá để có thể chủ động 30-40% lượng cá nguyên liệu. Hơn 5 năm qua đã có DN hình thành được vùng nuôi qui mô từ 40-50ha/nhà máy, thậm chí có DN có vùng nuôi lên hơn 120ha. Do đó, nhu cầu con giống cho một vùng nuôi lớn cần đồng bộ, phải liên hoàn từ con giống tới SX cá thịt và chế biến XK để đảm bảo chất lượng".

Theo hướng này, Cty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) là một trong những DN có vùng nuôi cá tra và đang xây dựng trung tâm sản xuất cá tra giống bên bờ sông Hậu. Cách đây hơn 4 tháng, giữa lúc khủng hoảng thừa cá tra nguyên liệu và hoạt động sản xuất cá giống điêu đứng thì Caseamex đã âm thầm gây dựng đàn cá tra bố mẹ hơn 4.000 con có nguồn gốc tự nhiên trên sông Mekong, nhập từ Vương quốc Campuchia về nuôi dưỡng.

Đến nay đàn cá giống đạt trọng lượng trung bình 8 -11kg/con đang ôm trứng chuẩn bị sinh sản. Theo giới chuyên môn thủy sản, đây là cách chọn tạo con giống tốt. Cá tra giống bố mẹ nguồn gốc tự nhiên nên khỏe. Hơn nữa với đàn cá giống dồi dào, chất lượng tốt sẽ giúp hạ thấp tỉ lệ hao hụt cho người nuôi cá trong tương lai.

TS Dương Nhựt Long, Trưởng bộ môn Thủy sản nước ngọt - Khoa Thủy sản, ĐH Thuỷ sản Cần Thơ cho rằng: “Hiện nay gần cuối vụ nuôi cá tra. Ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), An Giang có đàn cá nhiều, quần thể đông, vì thế khả năng SX cá tra giống sắp tới phục hồi không khó. Tuy nhiên đáng lo ngại là vừa qua một số cơ sở cá giống bị lỗ dẫn tới cá giống bố mẹ bị bỏ bê, thậm chí giảm cho ăn nên nếu thúc cá đẻ quá nhanh sẽ giảm chất lượng con giống.

Hơn nữa, thiếu cá giống sẽ khiến một số cơ sở sản xuất chạy theo đơn đặt hàng ép cá đẻ, dễ dẫn tới chất lượng cá con yếu, hao hụt cao. Do đó người nuôi cá nên thận trọng và lựa chọn nơi cung cấp giống có uy tín”.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường