Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những nghịch lý trong thu mua, phân phối nông sản
05 | 11 | 2008
Trái cây tại vườn giá rẻ 2.500-3.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng giá đắt gấp 2 gấp 3 lần. Lúa tại ruộng hiện nay giá rẻ bèo từ 2.800đ-3.500 đ/kg, mà không có người mua, thế nhưng gạo bán tại các chợ nông thôn cao gấp 2,5 đến gấp 3 lần giá lúa. Ở thành thị giá trái cây, giá gạo cao ngất và xuống rất chậm. Vì sao có nghịch lý này?
Nông sản: Mua rẻ, bán đắt Không chỉ ở đô thị mà ngay tại các chợ nông thôn, người tiêu dùng hiện nay đang đối mặt với giá cả đắt đỏ như thời kỳ căng thẳng, lạm phát cách đây 5-6 tháng. Thông tin giá lúa tại ĐBSCL xuống thấp, thông tin trái cây xuống giá, heo hơi xuống giá là điều thật. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn phải gồng mình mua hàng hoá, nông sản trái cây với giá cao.

Bưởi Năm Roi giá rẻ - Ảnh: V.Kim

Đơn cử như bưởi Năm Roi tại Mỹ Hoà, Bình Minh - Vĩnh Long, vào cuối tháng 10 này, thương lái mua bưởi tại vườn giá 2.500 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg, tuỳ theo bưởi loại 1 và loại 2. Anh Nguyễn Minh Hoàng Em, người có 10 công bưởi (1công bằng 1.000m2) cho biết: “Hiện nay thương lái thu mua loại bưởi tốt loại 1 là 3.000 đồng/kg, bưởi xô là bưởi lộn bưởi lớn với bưởi nhỏ cân ngang ngửa là 2.500 đồng/kg. Giá này làm cho nhiều nhà vườn trồng bưởi năm nay thua lỗ nặng vì giá vật tư phân bón từ tháng 4, tháng 5 đã mua bón cây giá cao ngất trời".

Điểm bất hợp lý nhất là giá bưởi bán tại vườn quá thấp, trong khi giá bưởi bán tại các siêu thị, của hàng trái cây giá cao gấp 2,3 lần giá bưởi tại vườn. Ngay tại Bình Minh, nơi cách xã bưởi Năm Roi Mỹ Hoà có 5-7 cây số, vậy mà cửa hàng bưởi năm roi Hoàng Gia bán bưởi loại 1 cao hơn giá bưởi tại vườn rất xa: 8.000 đồng/kg bưởi tốt.

Giá bưởi Năm Roi loại 1 tại chợ trái cây Tam Bình là 5.000-6.000 đồng/kg, tại chợ trái cây Cái Bè Tiền Giang giá ngang bằng khoảng 5.500 đồng đến 6.500 đồng/kg. Thế nhưng đến chợ trái cây Tam Bình - TP Hồ Chí Minh, giá bưởi thường lên đến 8.000–9.000 đồng/kg… Và từ đây nếu hàng được đưa đi tiêu thụ các chợ, các siêu thị bưởi năm roi có thể lên đến 12.000-15.000 đồng/kg, loại bưởi tốt.

Tương tự, cam sành Tam Bình cũng vậy, vào những ngày đầu tháng 11/2008, giá cam thương lái thu mua tại vườn chỉ khoảng 5.000 đồng/kg cam loại tốt, tuy nhiên giá cam sành khi chuyển đến bán tại chợ trái cây Cái Bè - Tiền Giang khoảng 7.000 đến 8.000 đồng/kg, đến chợ trái cây Tam Bình - TP.HCM giá bán lên đến 9.000-10.000 đồng/kg, từ đây đến các điểm bán trái cây, các siêu thị giá cam sành loại tốt có thể lên đến 12.000 đến 15.000 đồng/kg cam sành loại tốt.

Anh Lưu Văn Tính, một nhà vườn tại xã Tường Lộc - Tam Bình, người có gần 10 công cam sành cho rằng: “Trồng được trái ngon đã khó, bán được giá lại càng khó hơn. Giá bán trái cây tại chợ đầu mối cao hơn tại vườn bằng 2 và tại siêu thị cao gấp 3 lần. Cách phân phối như hiện nay nhà vườn là người thiệt thòi nhất, tuy vậy, nông dân đâu có cách nào tăng thu từ sản phẩm do mình làm ra?

Phân phối nông sản: Quá nhiều trung gian

Gạo bán giá đắt - Ảnh: V.Kim

Một trong những mặt hàng người tiêu dùng trực tiếp đối mặt hằng ngày đó là gạo, nhiều người dân than thở sao lúa giá quá thấp, chỉ có 2.500 đồng đến 3.500 đồng/kg (tuỳ lại lúa tốt xấu) mà giá gạo quá cao?

Đơn cử như lúa Hàm Châu cũ hiện nay giá bán 3.200 đồng/kg, nếu người dân mua lúa xay xát ra gạo 20kg lúa là 64.000 đồng (tức là 1 giạ lúa). Với 20 kg lúa Hàm Châu, xay xát ra sẽ có 15kg gạo và khoảng 2kg cám. Giá bán gạo Hàm Châu cũ tại các cửa hàng ở Cần Thơ là 8.000 đồng/kg. Như vậy, riêng một giạ lúa từ người mua đến tay người tiêu dùng giá tăng gần gấp 2 lần. Vì bán 15kg đã có 120.000 đồng, chưa tính giá 2kg cám. Thử đưa ra bài toán mới thấy từ nông dân đến người tiêu dùng phải thiệt bao nhiêu cho việc lưu thông phân phối hàng nông sản chưa hợp lý?

Giá lúa trung bình 2.800 đồng đến 3.500 đồng, thế nhưng giá gạo thấp nhất là 7.000 đồng, cao nhất là 12.000 đồng/kg, tuỳ loại gạo thường hay gạo thơm.

Hệ thống phân phối lúa gạo tại nông thôn và đô thị ĐBSCL hiện nay thường tổ chức như sau: thương lái mua lúa trong vùng nông thôn, lúa này được họ cung ứng cho các đầu nậu cung ứng gạo xuất khẩu. Từ đầu mối này, các công ty xuất khẩu đặt hàng, ăn hàng phục vụ cho những hợp đồng đã ký.

Cứ mỗi lần qua trung gian, giá gạo tăng lên một ít và từ hệ thống này, hoạt động buôn bán gạo diễn ra quanh năm theo thông lệ. Từ hệ thống phân phối nhiều tầng nấc này, nông dân bán hàng giá thấp, khoản lợi nhuận từ xuất khẩu đã rơi vào tay thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu.

Riêng tại các chợ ở ĐBSCL, cách phân phối lúa gạo cũng theo cách tương tự: Thương lái mua lúa xay xát và cân gạo lại cho các đại lý gạo và những chủ bán gạo lẻ, từ đây gạo mới được bán cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Diệu, một người bán gạo đã 17 năm ở chợ Cái Vồn - Bình Minh cho biết: “Hầu hết gần 15 quầy gạo tại chợ gạo Cái Vồn này đều lấy gạo xay xát sẵn của thương lái. Họ bán cho chúng tôi giá thấp hơn giá chúng tôi phân phối từ 200-300 đồng mỗi ký. Có hai hình thức bán nợ gối đầu và bán trả tiền trực tiếp. Giá có cao hơn nếu chúng tôi trực tiếp đi mua lúa về xay xát bán. Nhưng chúng tôi không có người, có phương tiện và thời gian. Như vậy, giá gạo cao là do phải qua nhiều trung gian là điều tất yếu”.

Tại chợ Cái Vồn, vào đầu tháng 11, giá gạo có giảm 20-30% so với cao điểm sốt gạo vào tháng 6, tháng 7/2008, nhưng vẫn còn bán khá cao vì nếu so với giá lúa thời điểm đó, hiện nay lúa đã giảm khoảng 50%.

Từ trái bưởi Năm Roi, trái cam sành đến lúa gạo, nếu phân đi vào thực tế phân tích kỹ chúng ta thấy rằng hệ thống lưu thông phân phối quá nhiều tầng nấc, trong mỗi tầng nấc đó người tham gia phân phối phải làm sao đảm bảo có lời, vì vậy, họ cố làm thế nào mua nông sản tốt nhất, giá rẻ nhất và bán được với giá cao nhất, nhanh nhất.

Quá trình này làm cho người sản xuất và người tiêu dùng là người bị thiệt thòi nhất. Chưa nói đến hiện nay, nhiều đại lý gạo và hàng sáo cố níu kéo giá bán cao để duy trì lãi cao. Với lý do rất “dễ thông cảm” là trước đây họ đã mua lúa giá cao quá, nay lúa gạo xuống, duy trì giá bán cao để giảm lỗ vốn. Cứ như thế, ai cũng duy trì giá người tiêu dùng “lảnh đủ”.

Ai giải bài toán khó cho nông dân?

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi cho rằng: Sau khi chuyển đổi kinh tế từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, hệ thống phân phối hàng hoá theo thương nghiệp kiểu cũ chúng ta dần dần xoá bỏ. Tương tự, hệ thống thu mua, phân phối lương thực theo hình thức HTX, các doanh nghiệp nhà nước dần dần hình thành những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, trong khi đó, hệ thống nhà kho lương thực của xã, của huyện do Nhà nước quản lý trước đây còn rất ít.

Điều này đã góp phần hình thành cơ chế thu mua, phân phối nông sản, lương thực theo hình thái mới, hình thành thị trường tự do trong thu mua phân phối. Những vấn đề trên đã tạo nên những bất hợp lý trong lưu thông phân phối hàng hoá nông sản, lương thực hiện nay.

Cam sành Tam Bình - Ảnh: V.Kim

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL rằng: Từ sản xuất đến hệ thống lưu thông phân phối nông sản, lương thực trong vùng ĐBSCL đang có nhiều vấn đề phải tổ chức lại. Điệp khúc được mùa rớt giá và ngược lại cứ lặp đi lặp lại, điều này làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống người nông dân ĐBSCL. Kênh thị trường của chúng ta có quá nhiều trung gian: Từ nông dân đến thương lái cấp 1, thương lái cấp 2, đến chế biến, và khâu tiếp cận thị trường.

Cơ sở hạ tầng sản xuất của nông nghiệp trong vùng còn nhỏ lẻ, xuất phát từ đất đai của chúng ta còn manh mún, kéo theo hàng hoá sản xuất ra khó bán giá cao.

Muốn sản xuất trái cây hay lương thực bán giá cao, nông dân phải tham gia vào các tổ chức sản xuất theo hình thức khoa học và tiên tiến, sản xuất có tổ chức, giảm dần những khâu thương lái trung gian, tức là từ nông dân đến thẳng nhà máy và xuất khẩu.

Muốn đạt điều đó, doanh nghiệp và nông dân hoặc các tổ chức sản xuất phải có hợp đồng. Điều kiện để có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn bao gồm: hành lang pháp lý, qui hoạch vùng tập trung, hợp tác với ngân hàng… theo hình thức doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi trên đường phát triển.

Tổ chức sản xuất, phân phối lưu thông hàng hoá nông sản, lương thực tốt sẽ có lợi cho người nông dân và cả người tiêu dùng do giảm tối đa khâu trung gian phân phối.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này không phải dễ. Vì hiện nay đất đai sản xuất lúa và vườn cây trái của ta còn khá manh mún, việc tập hợp nông dân vào các tổ chức HTX, tổ đoàn kết sản xuất, vùng sản xuất còn nhiều khó khăn trở ngại.

Từ thực tế bất hợp lý trong lưu thông phân phối nông sản, mô hình nào để phát triển nông thôn, nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi nông dân để nền nông nghiệp nước ta vừa đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực vừa xuất khẩu, bài toán khó đang chờ lời giải từ các chuyên gia và các cấp lãnh đạo tâm huyết với nông dân.



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường