QĐ 160 Phê duyệt Chiến lược tổng thể về chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế, quy định của WTO giai đoạn đến năm 2020, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành, nêu rõ, Nhà nước sẽ từng bước giảm dần, tiến đến xoá bỏ sự can thiệp vào giá cả hàng hoá, ngoại trừ một số mặt hàng chiến lược, thiết yếu như trên.
Văn bản này nêu rõ, trong dài hạn, sẽ chuyển dần sang giá thị trường đối với những mặt hàng hiện còn áp dụng cơ chế Nhà nước tự định giá.
Chính phủ chủ trương từng bước xoá bỏ hình thức bao cấp, trong đó có bao cấp qua giá và triển khai thực hiện giá thị trường cho mọi hàng hoá và dịch vụ theo lộ trình cam kết WTO.
Ngoài việc hoàn thiện chính sách về giá, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, thời gian tới, Chính phủ cũng hỗ trợ và khuyến khích các hội nghề nghiệp, các DN xây dựng lộ trình về giá sản phẩm quan trọng, có sản lượng lớn, nhằm tạo môi trường cạnh tranh về giá.
Đối với việc giảm thuế suất nhập khẩu theo lộ trình, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo hộ bằng thuế đối với một số loại hàng cần được hỗ trợ. Việc điều chỉnh thuế suất với một số mặt hàng cần có thời gian chuyển đổi và sẽ được công bố rộng rãi trước khi áp dụng.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế, chủ yếu áp dụng thuế phần trăm, để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế áp dụng thuế tuyệt đối. Ngoài ra, thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng cũng cần được sớm nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả để bảo vệ sản xuất trong nước.
Một loạt các giải pháp về đầu tư; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ CN; hỗ trợ cạnh tranh; vốn; KHCN; môi trường; nhân lực cũng được đưa ra để bảo vệ sản xuất trong nước đến năm 2020.
Trong đó, đáng lưu ý là việc Chính phủ tập trung ngăn ngừa các hoạt động kinh tế có thể tạo ra rào cản cho sự phát triển thị trường và cạnh tranh, làm giảm cơ hội đầu tư và tham gia thị trường của DN.