Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chưa có độc quyền về giá trong thức ăn chăn nuôi
25 | 03 | 2009
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, chưa thể có tình trạng độc quyền về giá thức ăn chăn nuôi (TACN) vì chưa có DN nào chiếm đến 30% thị phần tại Việt Nam, cao nhất là Tập đoàn CP Group cũng chỉ chiếm trên 20%.

Bộ NN-PTNT vừa kiến nghị Chính phủ về việc đưa một số nhóm nguyên liệu TACN đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu của thế giới vào nhóm cần có chính sách bình ổn giá.

Cụ thể, theo ông Dương, đó là mặt hàng khô dầu đỗ tương. Hiện mỗi năm, Việt Nam phải nhập gần như 100%, trung bình khoảng 2-2,5 triệu tấn triệu tấn, với giá năm 2008 tương đương khoảng 1 tỷ USD. 

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN, cho biết, hiện Việt Nam đang nhập tới 49-52% tổng giá trị nguyên liệu TACN. Ngoài khô dầu đỗ tương, các DN trong nước cũng phải nhập khẩu ngô 500.000-1 triệu tấn/năm, cám gạo 2,5-3 triệu tấn/năm, các loại thức ăn bổ sung như lyzin, DCP...  (tuy chiếm 1% nhưng Việt Nam cũng không sản xuất được). 

Tổng cộng, có 22 loại nguyên liệu mới trở thành TACN thành phẩm, trong đó trên 10 loại phải nhập khẩu. Năm 2008, Việt Nam đã phải nhập khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu TACN.

Song song với kiến nghị Nhà nước quản lý giá một số nhóm nguyên liệu TACN, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm thuế nguyên liệu mà trong nước chưa sản xuất được; đồng thời, hỗ trợ DN mua nguyên liệu trong những lúc thế giới rẻ và nguyên liệu trong nước thời điểm sau thu hoạch.

Về lâu dài, cần có chính sách tăng cường sản xuất nguyên liệu trong nước, năng suất sản lượng ngô, đậu tương.

Ông Dương cho rằng, các DN nhỏ Việt Nam cần tăng cường liên kết, liên doanh để nhập được nguồn nguyên liệu số lượng lớn, giá rẻ, tránh tình trạng có DN nhỏ vừa qua đã ký hợp đồng nhập khô dầu đỗ tương chỉ 320 USD/tấn, song khi giá lên 400 USD/tấn, đối tác nước ngoài "bỏ chạy".

Phía Việt Nam không biết kiện ai vì năng lực tài chính, năng lực luật pháp yếu, nhất là khi mua ít hàng. Trong khi đó, với các tập đoàn như Cargill, CP Group... , đối tác không bao giờ dám "bùng".

Trao đổi với PV.VietNamNet về việc có hay không tình trạng một số DN, tập đoàn lớn chiếm khoảng 70% thị phần TACN tại Việt Nam, liệu có sự độc quyền về giá và vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về việc này, ông Dương nhận xét, chưa thể có tình trạng này vì chưa có DN sản xuất TACN nào chiếm đến 30% thị phần tại Việt Nam, cao nhất là CP Group cũng chỉ chiếm trên 20%...

"Chúng tôi luôn chú ý đến việc này, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ DN độc quyền khống chế trong sản xuất TACN. Đợt vừa rồi các DN, tập đoàn lớn cũng tình nguyện giảm giá, nhưng đúng là có chuyện các công ty nhỏ phản ứng dây chuyền theo các công ty lớn. Tuy nhiên, mức giảm chưa được như mong muốn", ông Dương nói.

Từ cuối tháng 2 đầu tháng 3/2009, giá nguyên liệu TACN thế giới tăng trở lại ở một số nhóm hàng, như cám gạo tăng 15%, sắn lát tăng 15-20%, dầu thực vật 20-25%, khô dầu đỗ tương 20-25%... Tuy nhiên, giá TACN thành phẩm trong nước không tăng do các cơ sở sản xuất thường có cơ số dự trữ nguyên liệu khoảng 2-3 tháng.

Do vậy, tác động về giá nguyên liệu thế giới tăng đối với số nhập về từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, nếu có ảnh hưởng đến giá thành TACN thành phẩm, cũng phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 mới có thể tăng trở lại.



Nguồn: Hà Yên - Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường