Khó khăn dồn dập
Mới đây, Nga đã đồng ý nhập cá tra của Việt Nam trở lại, dự kiến sang tháng 4 sẽ thực hiện. Dự báo nhu cầu xuất khẩu tới đây sẽ tăng, nếu nguồn nguyên liệu thiếu kéo dài sẽ gây thiệt hại chung cho ngành thủy sản. |
Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (Navico), một “đại gia” trong ngành thủy sản, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu nhưng từ đầu năm 2009 đến nay luôn gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu chế biến.
Ông Nguyễn Duy Nhứt, Giám đốc Tài chính Navico cho biết, 3 nhà máy thủy sản được đầu tư công nghệ hiện đại nhưng chỉ hoạt động 30%-40% công suất, nguyên nhân là do đầu ra gặp khó khăn và không đủ nguyên liệu.
Trước tình hình trên, Navico chỉ còn giữ lại khoảng 7.000 công nhân, bằng 50% so những lúc hoạt động cao điểm. Thế nhưng, nếu áp dụng đủ giờ lao động thì công ty chỉ cần 5.000 công nhân, như thế có thêm 2.000 nhân công có nguy cơ mất việc (?).
Đồng cảnh ngộ trên, Công ty cổ phần Thủy sản Sao Ta (Sóc Trăng) cũng giảm từ 2.500 công nhân xuống còn khoảng 1.800 công nhân do không đủ tôm nguyên liệu để hoạt động. Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, thiếu tôm nguyên liệu đang là nỗi lo canh cánh của các nhà máy và công nhân lao động bởi nhà máy giảm công suất chế biến thì buộc lòng phải giảm công nhân.
Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu thừa nhận: “Chưa bao giờ nguồn tôm nguyên liệu thiếu gay gắt như hiện nay. Toàn bộ 12 nhà máy thủy sản trên địa bàn như ngồi trên lửa. Sở cũng đau đầu về việc này nhưng chưa có cách giải quyết”.
|
Thiếu nguyên liệu thủy sản khiến nhà máy giảm công suất, công nhân mất việc |
Tại Cà Mau, tình hình cũng chẳng hơn gì. Những ngày qua, hàng ngàn công nhân ở Công ty Thủy sản Camimex phải luân phiên nhau “1 ngày làm - 1 ngày nghỉ”, kèm theo đó thu nhập bị giảm trầm trọng. Các công ty như Minh Phú; Quốc Việt… cũng lao đao vì tình trạng thiếu tôm nguyên liệu.
Anh Nguyễn Văn Hồng, ở Cái Nước (Cà Mau) lo lắng: “Tôi làm công nhân thủy sản gần 6 năm nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như lúc này. Từ đầu năm 2009 đến nay, thời gian nghỉ nhiều hơn làm nên cuối tháng nhận lương chỉ có 600.000-700.000đ, chưa bằng 50% so với những năm trước. Tình hình này kéo dài chắc không đủ tiền nuôi vợ con”.
Tháo gỡ cách nào?
Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến thủy sản Cà Mau, 31 nhà máy thủy sản ở tỉnh đang hoạt động với công suất thấp nhất, trung bình chỉ 20%-30%, kéo theo hàng ngàn công nhân mất việc. Ông Thuận cho rằng, nếu không có giải pháp cấp bách “cứu” doanh nghiệp thủy sản thì làn sóng mất việc sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Làm việc với các tỉnh ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Cá tra, ba sa là sản phẩm đặc thù ở ĐBSCL, có tiềm năng và lợi thế lớn. Vì vậy phải xây dựng cá tra trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành đề án “Sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa” trình Chính phủ phê duyệt. |
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, bất lợi cơ bản là hiện nay đang vào vụ nghịch nên sản lượng tôm không nhiều, tuy nhiên điều lo ngại hơn là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL chưa mạnh dạn thả giống mặc dù lúc này đã vào cao điểm vụ mùa. Nguyên nhân do vụ tôm năm 2008 nhiều hộ thua lỗ nên năm nay e ngại chưa dám đầu tư.
Tỉnh Bạc Liêu lên kế hoạch xuống giống 10.900ha tôm công nghiệp thì đến nay chỉ mới thả được 1.800ha. Tại Đồng Tháp, sản lượng cá tra năm nay ước tính giảm khoảng 30%, như vậy chỉ tiêu xuất khẩu 235 triệu USD rất khó để hoàn thành.
Hiện tại, dù giá cá tăng lên 15.500-16.000đ/kg nhưng người dân chưa mạnh dạn nuôi. Ông Tư Chảnh, ở xã Tân Thành (Lai Vung, Đồng Tháp) trăn trở: “Hầu hết người nuôi cá tra năm rồi lỗ trắng tay, ai nuôi ít nợ vài trăm triệu đồng, nuôi nhiều nợ tới vài tỷ đồng. Nợ cũ chưa trả xong, muốn nuôi mới cũng không biết đào đâu ra vốn. Cuối cùng đành treo hầm?”.
Không riêng gì Đồng Tháp mà nhiều hộ nuôi cá ở An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… cũng cùng tâm trạng lo lắng khi giá cá tra lên xuống thất thường, mức độ rủi ro của nghề này ngày càng cao.
|
Giá tôm tăng cao nhưng sản lượng thiếu trầm trọng |
Để khôi phục sản lượng cá tra phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu, ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho rằng, vấn đề cấp bách lúc này là tạo niềm tin cho người nuôi cá. Theo đó cần có chính sách trợ giúp rủi ro, ổn định thị trường tiêu thụ, thì người nuôi mới mạnh dạn đầu tư.
Mặt khác, ngân hàng cần mạnh dạn vào cuộc cho người dân vay vốn nuôi cá ngay từ bây giờ để sang quý 2, quý 3 có cá nhiều trở lại. Đối với bài toán thiếu tôm nguyên liệu, sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đang tính toán áp dụng hình thức nuôi rải vụ trong thời gian tới nhằm đảm bảo lượng tôm cung cấp cho nhà máy trong vụ nghịch, đồng thời tránh tình trạng rớt giá khi thu hoạch rộ, trong khi giá tăng thì không có tôm để bán.
Trước mắt, các doanh nghiệp kiến nghị nhập tôm từ các nước để chế biến, tạo việc làm cho công nhân, tuy nhiên cái khó là thuế nhập khẩu còn cao nên doanh nghiệp e ngại. Vì vậy Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ cho phép áp dụng thuế nhập khẩu bằng 0%. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết quan điểm của bộ là ủng hộ.