Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tạo điều kiện sản xuất cà-phê bền vững
01 | 04 | 2009
Trong điều kiện sản xuất cà-phê còn nhiều bấp bênh, việc triển khai dự án "Hỗ trợ mở rộng các sáng kiến sản xuất cà-phê bền vững" được kỳ vọng sẽ đem lại cho nông dân huyện Krông Búc, tỉnh Ðác Lắc một hướng đi mới để đưa cây cà-phê phát triển ổn định hơn...

Trò chuyện với chúng tôi, lãnh đạo UBND huyện Krông Búc, tỉnh Ðác Lắc cho biết: Là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây cà-phê nhưng nhiều năm qua người nông dân vẫn không thể tự mình làm chủ sản phẩm làm ra do việc quy hoạch, phát triển còn mang tính tự phát, mùa vụ, chưa mang tính công nghiệp; chất lượng sản phẩm còn nhiều bất cập. Bài toán nâng cao chất lượng cho hạt cà-phê và xây dựng thương hiệu sản phẩm đã được bàn tới rất nhiều nhưng vẫn chưa có lời giải... Trong bối cảnh hội nhập, cùng với việc nâng cao kiến thức cho nông dân, cần có sự giúp đỡ để tăng chất lượng sản phẩm. Ðể tránh tình trạng bấp bênh về sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng của hạt cà-phê; tạo điều kiện phát triển bền vững và lâu dài cho ngành cà-phê, nhất là ở khâu canh tác thì không còn cách nào khác là triển khai đào tạo thực tế và phổ biến thông tin cho người trồng cà-phê. Huyện Krông Búc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Lắc đang phối hợp Tổ chức hợp tác kỹ thuật Ðức (GTZ), Công ty tư vấn EDE (tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe) chuẩn bị các hoạt động thực tế để thực hiện dự án "Hỗ trợ mở rộng các sáng kiến sản xuất cà-phê bền vững tại huyện Krông Búc"

Dự án triển khai trong hai năm rưỡi, bắt đầu từ đầu năm 2007. Mục tiêu nhằm củng cố các bộ phận trong chuỗi giá trị cà-phê tại huyện Krông Búc, đóng góp vào phát triển bền vững của ngành cà-phê và nâng cao giá trị cho sản phẩm. Theo dự án, các hoạt động can thiệp ở cấp vườn và cấp thu mua sẽ được triển khai như một phần trong công tác nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, gồm những hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân có kỹ thuật về trồng trọt, chăm sóc và am hiểu kỹ hơn về xử lý, bảo quản cà-phê sau thu hoạch như thông qua các lớp tập huấn đầu bờ, người nông dân sẽ được tập huấn về các thực hành nông nghiệp tốt (GAP), chế biến tốt (GPP) và nâng cao chất lượng sản phẩm cho cà-phê Robusta; áp dụng mô hình lớp tập huấn đầu bờ để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức nông dân nhằm cải thiện các thực hành sau thu hoạch và mở rộng tiếp cận thị trường; giúp các nhóm nông dân chuẩn bị để đạt chứng chỉ chất lượng cà-phê và kết nối trực tiếp với các nhà thu mua tiềm năng (Công ty Trung Nguyên, Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe...). Về các vấn đề đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Trạm Khuyến nông huyện đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các hoạt động tới cấp xã, thôn và cuối cùng là tới những người trồng cà-phê. Các trung tâm nghiên cứu như Viện Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm nghiên cứu đất Tây Nguyên đào tạo cho các cán bộ khuyến nông về các vấn đề chuyên môn cụ thể. Nhóm mục tiêu thứ nhất của dự án dự kiến là 200 hộ nhỏ người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhóm mục tiêu thứ hai sẽ gồm một hay nhiều nhà đại lý địa phương. Họ sẽ cung cấp các dịch vụ trọng yếu trong chuỗi giá trị bằng cách tái chế biến cà-phê nhân sau đó bán cho các nhà xuất khẩu. Dự án hướng tới việc liên kết các nhóm nông dân của dự án với một đại lý và một nhà thu mua, nghĩa là giúp người trồng cà-phê thiết lập kênh mua bán hiệu quả (chất lượng tốt, giá cao) thông qua tập hợp nhóm. Ðiều này sẽ làm cho chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả hơn.

Trong nhiều năm qua, nhất là những năm giá cà-phê xuống thấp, người trồng cà-phê huyện Krông Búc đã nhiều phen lao đao, đương đầu với những trở ngại nảy sinh từ tốc độ tăng trưởng quá nhanh diện tích trồng cà-phê. Một thời, sản lượng cà-phê đã tăng nhanh hơn tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc chế biến, vận chuyển và bảo quản. Vì vậy, người trồng cà-phê huyện Krông Búc hy vọng, sự hỗ trợ này có thể cải thiện các thực hành ở cấp canh tác, chế biến và tiếp thị trong chuỗi giá trị, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, nhà chế biến và các nhà kinh doanh tham gia bán sản phẩm cuối cùng nhờ nâng cao chất lượng và hiệu quả ở các khâu này.




Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường