Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam
13 | 04 | 2009
Ngày 10/4, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Đắc Lắc tổ chức Hội nghị đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam.

Căn cứ vào nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất trong nước, hướng phát triển cà phê của Việt Nam trong thời gian tới là vẫn duy trì diện tích, sản lượng cà phê hiện có, nhưng tăng giá trị sản xuất cà phê theo hướng bền vững, trong đó, tỷ lệ áp dụng cà phê theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và sản xuất cà phê có chứng chỉ, truy nguyên nguồn gốc theo nguyên tắc 4C, UTZ Kapah đạt trên 50% diện tích, khắc phục tình trạng thu hái quả xanh. Nâng tỷ lệ cà phê chế biến sâu (cà phê hoà tan, cà phê rang xay) tăng lên 20%, trong đó 10-15% phục vụ cho thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu, ban hành và áp dụng quy trình GAP trong sản xuất cà phê, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản xuất, chất lượng cà phê, trong đó có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam 4193:2005, xây dựng thương hiệu, uy tín cà phê Việt Nam để giải quyết tốt đầu ra cho ngành cà phê, tạo động lực nâng cao chất lượng cà phê.

Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp, nhất là nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất ngành cà phê, nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, cơ chế , chính sách. Hội nghị nêu rõ, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân tích tụ đất, hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân sản xuất cà phê, khuyến khích hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp trên cơ sở người dân đóng góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị vườn cà phê để tổ chức sản xuất lớn theo hướng bền vững, bảo vệ tài sản, cùng hưởng lợi thông qua sản xuất, chế biến, dịch vụ và hỗ trợ của Nhà nước. Về khoa học công nghệ tập trung nghiên cứu, chuyển giao giống cà phê đến người dân, nghiên cứu các giải pháp tưới tiết kiệm nước, phổ biến quy trình tái canh cà phê để cải tạo các vườn cà phê có năng suất, chất lượng thấp, đồng thời, thông qua chương trình khuyến nông, tiến hành đào tạo nông dân về quy trình canh tác bền vững, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sơ chế, bảo quản cà phê thóc...Đặc biệt, Hội nghị đã đưa ra nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư tổ chức sản xuất theo quy mô hợp tác, liên hộ cho các hộ nông dân sản xuất, tổ chức chế biến tập trung. Những hộ dân tham gia tổ hợp tác, ký hợp đồng liên kết lâu dài với cá cơ sở chế biến được ưu tiên hỗ trợ 50% tiền mua nguyên vật liệu xây dựng sân phơi, được vay vốn Nhà nước mua máy xay xát, máy sấy, hưởng các chính sách khuyến nông, khuyến công, đào tạo chuyển giao kỹ thuật công nghệ. Nhóm cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm mở rộng diện tích cà phê bền vững (áp dụng Bộ nguyên tắc 4C, UTZ Kapeh), thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thu hái cà phê đúng tầm chín, nhóm chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư các cơ sở chế biến sâu có trình độ công nghệ, thiết bị hiện đại, nhóm cơ chế chính sách áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phát triển hệ thống thương mại, trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột...

Ngành cà phê trong những năm qua có những bước phát triển nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, cả nước có khoảng 520.000 ha cà phê (riêng các tỉnh Tây Nguyên chiếm 90% diện tích). Năm 2007, cả nước xuất khẩu được trên 1,2 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD, năm 2008 mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng vẫn xuất khẩu được 954.000 tấn, đạt kim ngạch 1,95 tỷ USD (giảm 22,4% về lượng, nhưng tăng 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007). Tính trung bình cả năm 2008, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 2.044 USD/ tấn, tăng 31% so với năm 2007, trong đó, có lúc lên đỉnh điểm là 2.240 USD/ tấn. Ngành cà phê đã tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người lao động, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.



Nguồn: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường