Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ xuất 53.500 tấn gạo “có điều kiện”: Cần xem lại cách điều hành
22 | 04 | 2009
Chiều 21-4, Công ty Du lịch – Thương mại Kiên Giang (DLTMKG) đã nhận được hợp đồng do Hiệp hội Lương thực Việt Nam đóng dấu đồng ý cho phép xuất khẩu 53.500 tấn gạo với điều kiện Công ty DLTMKG vẫn phải “nhường” 13.000 tấn cho 7 doanh nghiệp khác thực hiện. Nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vẫn tỏ ra bức xúc trước cách điều hành trên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Trước đó, ngày 16-4, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có 2 công văn đồng ý cho công ty xuất 53.500 tấn gạo đã ký với đối tác. Tuy nhiên, trong công văn này lại kèm theo 2 điều kiện: Một là công ty phải chia 30% số lượng hợp đồng cho các đơn vị ở các tỉnh sản xuất lúa hàng hóa tham gia thực hiện. Hai là phải có văn bản cam kết các hợp đồng trên xếp hàng tại cảng Sài Gòn (TPHCM) và “không dỡ hàng tại cảng của Malaysia để tránh cạnh tranh phá giá, ảnh hưởng đến giao dịch và ký kết hợp đồng tập trung của Chính phủ với đối tác Malaysia”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám đốc công ty cho rằng: Hiệp hội yêu cầu không dỡ hàng tại cảng Malaysia là không đúng với pháp luật Việt Nam và tự do hóa thương mại quốc tế. Còn việc phân chia 30% số lượng hợp đồng đã ký cho các doanh nghiệp ở các tỉnh khác là không thể vì hiện nay lượng lúa gạo trong nông dân của tỉnh Kiên Giang còn rất lớn mà đến thời điểm này vẫn chưa có đầu ra. Liên tục trong những ngày qua, Công ty DLTMKG đã có văn bản không đồng ý với những điều kiện của hiệp hội.

Trước sự phản ứng của doanh nghiệp và địa phương, chiều ngày 21-4, hiệp hội đã chính thức bãi bỏ điều kiện thứ hai, nhưng vẫn giữ nguyên điều kiện thứ nhất là phân chia 30% số lượng hợp đồng đã ký (khoảng 13.000 tấn) cho 7 doanh nghiệp ở các tỉnh sản xuất lúa hàng hóa tham gia thực hiện.

Cách điều hành như trên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam không chỉ gây bức xúc từ phía Công ty DLTMKG mà lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng không đồng tình. Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: ông đã nhiều lần phản ánh với hiệp hội về cách phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo không dựa trên sự cân đối của từng tỉnh, không gắn xuất khẩu với sản xuất là không hợp lý. Chỉ tiêu tỉnh đặt ra trong năm nay sẽ xuất khẩu 700 ngàn tấn gạo mà đến thời điểm này tỉnh vẫn không biết chính xác hiệp hội sẽ cho địa phương xuất khẩu bao nhiêu? Năm ngoái cũng xảy ra tình cảnh tương tự vì vậy địa phương không thể chủ động được sản xuất dẫn đến tồn đọng lúa hàng hóa trong dân.

Nhận xét về vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Văn Hà Phong nói: “Hiệp hội chỉ làm công tác tham vấn chứ cho phép ký từng hợp đồng như thế này thay cho nhà nước thì cũng cần phải suy nghĩ lại…”. Còn ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh nông sản Kiên Giang thì cho rằng: Hiệp hội phải là một tổ chức ngành nghề đúng nghĩa chứ chủ tịch hiệp hội vừa là tổng giám đốc Công ty Lương thực Miền Nam như hiện nay không thể nào công bằng và minh bạch được…



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường