Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân mòn mỏi chờ bán lúa
03 | 06 | 2009
Lúa đang rớt giá, doanh nghiệp lại không thu mua, thương lái còn làm eo chê lên chê xuống để ép mua rẻ khiến nông dân ĐBSCL lâm cảnh điêu đứng

Dọc theo Tỉnh lộ 941 từ ngã ba Lộ Tẽ về huyện Tri Tôn - An Giang, hàng đống lúa được nông dân đưa ra tận đường cặp bờ kênh để chờ thương lái. “Cả tuần rồi, chúng tôi cứ trùm bạt để lúa ngoài mưa nắng, thấy ghe của thương lái là kêu nhưng không ai thèm ghé” - ông Hai Lo, ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành - An Giang, rầu rĩ.


Cứ được mùa lại rớt giá!


Cả buổi chiều, chúng tôi ngồi ở nhà ông Hai Lo nhưng chỉ thấy 2 ghe mua lúa cỡ vừa chạy ngang. Ông Hai Lo cử cô con gái ngồi hẳn dưới chiếc ghe tam bản để đón ghe thương lái. Thấy dáng chiếc ghe bầu từ xa, cô gái đã réo to: “Ba ơi, có ghe mua lúa nè!”. Ông Hai Lo chạy vội xuống mé sông, vẫy tay gọi: “Ghé đây, tôi bán!”. Nhìn đống lúa của ông trên đường, thương lái lắc đầu rồi cho ghe đi thẳng.


Ông Hai Lo buồn bã: “Ngày nào chúng tôi cũng mòn mỏi đón đợi ghe mua lúa như vậy, song cả tuần nay vẫn chưa bán được. Lúc mới thu hoạch, chúng tôi nán lại chờ được giá mới bán để kiếm thêm chút đỉnh, ai ngờ... Gia đình tôi bao nhiêu thứ đều trông chờ vào vụ lúa này, chắc phải bán đổ bán tháo để có tiền lo thôi”.


Chỉ tính từ cầu số 5 chạy dài hơn 1 km trên Tỉnh lộ 941, chúng tôi đã thấy hơn 20 đống lúa chất ven đường. Ông Út Bé, ngụ cách nhà ông Hai Lo chừng 100 m, may mắn hơn vì vừa bán được 1.500 giạ lúa. “Tôi để lúa nằm ngoài đường gần nửa tháng, bán được nhưng lỗ khá nặng. Tính ra, tôi lỗ gần chục triệu đồng, còn bị thương lái chê ỏng chê eo” - ông Bé chắc lưỡi tiếc rẻ.


Một kho gạo ở Kiên Giang còn tồn đọng hàng chục ngàn tấn


Ở Đồng Tháp, những cánh đồng lúa hè thu chín sớm tại các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười đã bắt đầu thu hoạch. Nhiều nông dân lo ngay ngáy vì giá lúa đang rớt, doanh nghiệp và thương lái lại không thu mua.

Là một người có hơn 30 năm gắn bó với nghề nông, ông Bảy Xệ, ngụ tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, hiểu rõ điệp khúc “được mùa thì rớt giá” khiến người làm lúa chẳng lời lãi gì cả. Ông Xệ nhận xét: “Tôi để ý nhiều năm nay rồi, cứ mùa nào lúa trúng là giá thấp mà chẳng hiểu vì sao. Năm nào cũng vậy, tới tháng này là lúa bán chậm, thậm chí không bán được”.


Tồn ứ trên 10 triệu tấn lúa


Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết lượng lúa mùa đông xuân còn trong dân ở tỉnh này khá nhiều. Trong khi đó, Kiên Giang đã xuống giống vụ hè thu 251.000 ha, khoảng 2 tháng nữa sẽ thu hoạch. “Từ nay tới cuối năm, sản lượng lúa của Kiên Giang ít nhất cũng hơn 1,3 triệu tấn. Nếu không xuất khẩu được, doanh nghiệp và thương lái lại không thu mua, vậy nông dân bán lúa cho ai?” - ông Củi băn khoăn.


Tại Đồng Tháp, theo Sở NN-PTNT tỉnh, lượng lúa trong dân cũng còn nhiều, thêm vào đó là 195.000 ha lúa hè thu sẽ khó tìm được đầu ra. “Vụ hè thu đã thu hoạch được 10.000 ha, năng suất khoảng 5,3 tấn/ha, chưa kể vụ thu đông trên 50.000 ha nữa” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, lo lắng.


TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết tính từ vụ hè thu đến cuối năm nay, ĐBSCL sẽ thu hoạch khoảng 10 triệu tấn lúa nữa. Đó là chưa tính lượng lúa cũ còn tồn đọng trong dân rất lớn chưa tiêu thụ hết, trong khi kế hoạch xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm chỉ còn 1,5 triệu tấn cho cả nước.

Phân chỉ tiêu xuất khẩu thấp, lúa gạo tồn đọng lớn

Nói về việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho các địa phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Trần Quang Củi cho rằng Hiệp hội Lương thực VN (VFA) nên dự báo cho đúng sản lượng lúa. “Các tỉnh đều tự biết cân đối lượng lúa dự trữ tiêu dùng, nên chỉ tiêu xuất khẩu được giao phải chiếm khoảng 80% sản lượng. Đơn vị điều hành xuất khẩu phải dự báo sát thực sản lượng của địa phương thì mới không gây tồn đọng lúa gạo” - ông Củi phân tích.

Từ đầu năm tới nay, An Giang chỉ mới xuất khẩu được 265.000 tấn gạo. “Nếu không được giao thêm chỉ tiêu 100.000 tấn, cả năm An Giang chỉ được phân bổ 350.000/1,7 triệu tấn gạo” - một cán bộ Sở Công Thương An Giang cho biết. Khó khăn nhất là Hậu Giang, tỉnh có sản lượng gạo 1,2 triệu tấn nhưng không có chỉ tiêu xuất khẩu nào.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết ông sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ xem xét lại việc VFA giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho các tỉnh quá thấp, dẫn đến nguy cơ lúa, gạo ứ đọng trong dân rất lớn. Theo ông Khang, hiện lúa gạo ứ đọng ở Tiền Giang không nhiều. Tuy nhiên, nông dân đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu khoảng gần 40.000 ha. Hiện tỉnh đã xuất khẩu gần 60.000 tấn/80.000 tấn theo chỉ tiêu VFA giao. Như vậy, số lúa gạo tồn đọng ở Tiền Giang sắp tới sẽ rất lớn. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết vụ hè thu này, tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 800.000 tấn lúa. Ông Lý lo ngại: “Nếu căn cứ vào chỉ tiêu của VFA giao, lúa gạo ứ đọng ở Long An rất lớn”.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường