Hội thảo đã tập trung đánh giá những tiến bộ trong việc nghiên cứu cây lúa trong điều kiện kinh tế không thuận lợi, việc quản lý nguồn lợi tự nhiên, và xem xét lại hướng phát triển tiềm năng trong tương lai để từ đó đề xuất những sáng kiến, sự hợp tác và tạo mối liên kết giải quyết vấn đề môi trường và sản xuất lúa gạo trong vùng khó khăn.
Đây cũng là cơ hội nhằm giúp Việt Nam tăng cường các giải pháp trong khoa học công nghệ trồng lúa cũng như xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Hiện Việt Nam đang tích cực trao đổi với các nước về nguồn gen giống lúa chịu mặn, hạn, úng; tiến hành hợp tác nghiên cứu kỹ thuật những giống lúa có khả năng chống chịu cao ở những vùng có địa hình, thời tiết khó khăn, đồng thời tham gia nghiên cứu về những ảnh hưởng của việc trồng lúa đối với môi trường.
CURE là chương trình do IRRI chủ trì và được thành lập từ năm 2002 với 10 nước thành viên: Băng-La-Đét, Cam-Pu-Chia, Ấn Độ, Inđônêxia, Lào, Myanma, Nepal, Philipin, Thái Lan và Việt Nam. Các hoạt động của CURE góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giảm đói nghèo cho những vùng không đủ điều kiện tốt để phát triển cây lúa, duy trì nguồn lợi tự nhiên từ việc phát triển và phổ biến những kỹ thuật dựa vào lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường ngắn hạn và dài hạn đối với những người nông dân và người tiêu dùng có thu nhập thấp. Mục tiêu của CURE là đảm bảo lương thực cho khoảng 100 triệu hộ nông dân ở châu Á.