Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gian nan chuyện đầu ra cho lúa
30 | 08 | 2008
Hơn 75% dân số Hậu Giang sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây mía. Thế nhưng, sản phẩm làm ra bán với giá thấp, thậm chí không có người mua, đã khiến nông dân Hậu Giang lâm vào cảnh “sống dở chết dở”, vì phải chịu áp lực lãi vay ngân hàng, nợ vật tư phân bón của mùa vụ trước và vốn tái sản xuất vụ tới...
* Khó khăn chồng chất...

Con số trên 300.000 tấn là tổng sản lượng lúa hàng hóa tồn đọng chưa tiêu thụ được trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tính đến thời điểm hiện nay. Riêng vụ lúa Hè thu, tổng sản lượng tiêu thụ đến nay ước đạt trên 14% trong tổng sản lượng toàn tỉnh. Hiện nay, việc tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân đang gặp nhiều khó khăn, giá lúa thương lái thu mua thấp, khoảng 5.100 đ/kg đối với lúa vụ Đông xuân và khoảng 4.300-4.600 đ/kg đối với lúa vụ Hè thu. Với mức giá này, người nông dân sẽ lâm vào cảnh hết sức khó khăn và hơn nữa sản lượng lúa tiêu thụ có giới hạn. Người nông dân cần tiền để “trang trải” nợ vay ngân hàng, các khoản chi tiêu cho vụ lúa Hè thu và tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu... cho vụ Thu đông tới. Trong khi đó, thương lái thu mua lúa trên địa bàn mang tính cầm chừng, chỉ tập trung thu mua ở các tuyến đường giao thông thuận lợi. Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Trần Văn Thắng, cho biết: “Phần lớn lúa không tiêu thụ được là lúa giống 504 và Hầm Trâu, trong khi đó đặc trưng của một số xã vùng sâu ở Phụng Hiệp không thể canh tác lúa chất lượng cao. Nông dân Phụng Hiệp vốn nghèo càng thêm khó do lúa không bán được, nợ nần chồng chất. Trên 30.000 tấn lúa hàng hóa tồn đọng ở Phụng Hiệp tập trung ở các xã vùng sâu như: Hiệp Hưng, Tân Bình..., nhiều bà con ở đây rất bức xúc, nói rằng “hễ có ghe mua lúa thì giá nào cũng bán”...

* Giải pháp “mở van” tiêu thụ !

Vấn đề tìm giải pháp nhằm “mở van” tiêu thụ hàng hóa nông sản được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, được đưa vào nội dung làm việc của các vị lãnh đạo địa phương và Trung ương trong hai tuần gần đây. Đối với lúa hàng hóa trên địa bàn, chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ thu mua. Tỉnh cũng đã kiến nghị Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tập trung chỉ đạo cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa với mức giá không thấp hơn 5.000 đ/kg, đảm bảo cho người nông dân có lời khoảng 40% theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng, cho rằng: Sức “chịu đựng” của nông dân có giới hạn và không thể kéo dài... chờ giá vì áp lực lãi vay ngân hàng, vật tư phân bón là rất lớn. Do đó, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp thu mua lúa trên địa bàn tỉnh phải “khuấy động thị trường” bằng cách tổ chức thêm điểm thu mua hay tăng cường thương lái thu mua lúa ở các xã vùng sâu, giao thông khó khăn. Trong đó, Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam là đơn vị chủ lực thu mua lúa hàng hóa trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, công ty này là đơn vị duy nhất của Hậu Giang có chức năng xuất khẩu gạo trực tiếp, nhưng mới chính thức đi vào hoạt động chưa đầy hai tháng. Do đó, vấn đề thị trường xuất khẩu cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến và tồn trữ lúa hàng hóa của một vùng đất có sản lượng lúa hàng năm trên 1 triệu tấn không thể đảm đương trong “một sớm, một chiều”.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang đã được phân bổ chỉ tiêu mua 15.000 tấn gạo tạm trữ, tương đương khoảng 45.000 tấn lúa hàng hóa. Như vậy, chỉ có thể giải quyết khoảng 15% trong tổng số 300.000 tấn lúa hàng hóa của nông dân Hậu Giang đang cần tiêu thụ. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang Nguyễn Hồng Châu, cho biết: Lúa Hè thu có ẩm độ thấp, nên khi thu mua về công ty phải xử lý lại, trong khi đó tối đa công ty chỉ xử lý khoảng 200 tấn lúa/ngày. Hơn nữa, tổng công suất kho chứa của công ty chỉ khoảng 300.000 tấn lúa hàng hóa. Hiện nay, nhu cầu bán lúa của nông dân Hậu Giang là rất lớn, nhưng sức mua của công ty có giới hạn...

Năm 2008, chỉ tiêu xuất khẩu gạo khoảng 4-4,5 triệu tấn. Tính đến hết quý III-2008, tổng sản lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng đã ký khoảng 3,6 triệu tấn. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7-2008, tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước chỉ đạt 2,8 triệu tấn. Mới đây, để tiêu thụ hết lúa hàng hóa vụ Hè thu và đảm bảo cho người nông dân có lãi từ 40% trở lên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Miền Bắc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy nhanh tiến độ giao hết số gạo theo hợp đồng xuất khẩu đã ký. Đồng thời, khẩn trương ký kết hợp đồng xuất khẩu mới đối với số lượng gạo xuất khẩu còn lại theo chỉ tiêu năm 2008 với mức giá mới có lợi cho nông dân. Cụ thể, trong tháng 8 này, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Miền Bắc khẩn trương thu mua khoảng 400.000-500.000 tấn gạo phục vụ hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết, đảm bảo tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa trong dân. Đây thật sự là tin vui cho bà con nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thành Lập, cho biết: “Ngoài chỉ tiêu phân bổ mua tạm trữ đã được phân bổ khoảng 15.000 tấn gạo, Hậu Giang sẽ xin thêm chỉ tiêu tạm trữ gạo tại địa phương. Đồng thời, tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ mua tạm trữ toàn bộ sản lượng không đủ điều kiện xuất khẩu (giống lúa 504 và Hầm Trâu) đang tồn đọng trong dân. Do đó, nông dân không nên “bán vội, bán tháo” lúa hàng hóa để tránh tình trạng bị tiểu thương ép giá, thu mua với giá rẻ”.




Nguồn: vietlinh.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường