Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường TACN quý 2- Áp lực tăng từ chi phí
09 | 07 | 2009
Thị trường TACN đang có những biến động bất lợi cho người chăn nuôi với các đợt tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 12-6-2009, giá nhiều loại thức ăn như các loại thức ăn đậm đặc cho gia súc đã ba lần được điều chỉnh tăng với mức tăng 500 đồng/kg so với tháng 5/2009,giá các loại TACN khác cũng có tới 1-2 lần điều chỉnh tăng. Hiện tại, giá tất cả các loại TACN dạng công nghiệp gồm thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản đều đồng loạt tăng từ 200-500 đồng/kg. Đây là bài toán khó đối với các hộ sản xuất chăn nuôi khi dự báo trong thời gian tới giá TACN có thể tăng thêm 20%. Để tìm ra nguyên nhân của những biến động, BTV của www.agro.gov.vn đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Phan Hồng Liên, chuyên gia phân tích của Agroinfo về thị trường TACN trong nước và những dự báo cho thời gian sắp tới.
- Hiện tại thị trường TACN đang được đánh giá là hết sức “căng thẳng” với những đợt điều chỉnh tăng giá liên tục. Theo đánh giá của bà những nét chính của thị trường trong quý 2 là gì?

Trong báo cáo phân tích về thị trường TACN quý 2 sẽ ra mắt vào ngày 8-7 tới đây chúng tôi có đề cập đến nhiều vấn đề, tuy nhiên theo đánh giá của chúng tôi đều tập trung ở một số điểm. Đó là nguồn cung trong nước khởi sắc nhẹ. Tính đến ngày 15/5/2009, tình hình gieo trồng cây đậu tương, ngô phục vụ nhu cầu chế biến TACN đều có sự tăng trưởng tương đối so với cùng kỳ năm 2008… Tổng sản lượng cám gạo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến TACN nửa cuối năm theo đánh giá sẽ vào khoảng 2,4 - 2,52 triệu tấn, tăng nhẹ 0,3% so với năm trước. Cũng trong quý 2 vừa qua, tổng kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu TACN 5 tháng đầu năm 2009 giảm mạnh 27,84 % so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 832 triệu USD do ảnh hưởng mạnh mẽ của suy thoái kinh tế đầu năm 2009. Trong đó, mức giảm mạnh nhất rơi vào quý 1/09, giảm 37,81% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 01/09, kim ngạch NK chỉ đạt hơn 90 triệu USD, tức là chưa được 45% so với tháng 1/08. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi của thị trường thì hiện các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ. Hầu hết các ngân hàng thương mại từ chối đáp ứng nhu cầu USD của các doanh nghiệp. Muốn có USD thanh toán đúng hạn, doanh nghiệp phải tự lo liệu nguồn USD. Trong khi đó, tại thị trường tự do, giá USD tăng cao 2-3,5% so với tỉ giá niêm yết của ngân hàng. Một nhân tố quan trọng nữa cần phải kể đến là nguồn cung TACN từ thị trường thế giới đang tương đối khan hiếm khiến giá thế giới có dấu hiệu tăng. Cụ thể như tổng sản lượng ngô giảm 45 triệu tấn so với niên vụ trước do một số nước Nam Mỹ mất mùa, tổng sản lượng đậu tương thế giới niên vụ 2008-2009 cũng thấp hơn 8,31 triệu tấn so với niên vụ trước…

-Giá các loại thức ăn công nghiệp tăng là do sức mua của thị trường hay là do một nguyên nhân nào khác?

Sức cầu TACN trên thị trường thực tế không tăng quá mạnh so với năm 2008. Giá thức ăn công nghiệp tại thị trường Việt Nam đầu năm 2009, đặc biệt là trong quý 2 tăng cao do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá này. Vấn đề đầu tiên phải kể đến như đã nói ở trên là hiện các doanh nghiệp nhập khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm ngoại tệ để thanh toán, các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn ngoại tệ thanh toán. Thứ hai là trên thị trường thế giới, giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu đều tăng khá mạnh. Tính tới cuối tháng 6/2009, giá khô đậu tương Ấn Độ tăng 48,8% so với hồi đầu năm, và cao hơn 0,7% so với mức giá cùng kỳ năm trước – năm có mức giá tăng cao đỉnh điểm. Tương tự, so với đầu năm nay, giá bột thịt, bột xương Achentina tăng 15%, giá bột cá Peru tăng khoảng 3%....Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá các loại TACN tại thị trường trong nước trong thời gian vừa qua.

-Chúng ta đang phải nhập khẩu gần như 100% nguyên liệu dùng cho sản xuất thức ăn hỗn hợp, mặt hàng khô dầu đậu tương mỗi năm cũng phải nhập khoảng 2,5-3 triệu tấn. Vậy đây có phải là nguyên chính của các đợt tăng giá không?

Đúng là việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã khiến thị trường TACN rất nhạy cảm với giá thế giới, không những vậy còn rất nhạy cảm với các tác nhân từ thị trường tài chính tiền tệ.

-Hàng năm, giá các loại thức ăn công nghiệp và nguyên liệu thường có xu hướng tăng từ tháng 5 cho đến Tết Nguyên đán, vậy theo đánh giá của bà trong thời gian tới thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ diễn biến như thế nào?

Một vài năm trở lại đây, giá TACN thế giới sau khi tăng cao hồi đầu năm thường có xu hướng quay đầu giảm trong các tháng cuối năm, do đây là thời điểm các quỹ đầu cơ liên tục xả hàng dự trữ để chuẩn bị đón đầu chu kỳ mới. Nhiều khả năng năm nay tình hình cũng sẽ diễn biến tương tự.
Tuy nhiên, khác với xu hướng giảm nhẹ của thị trường thế giới, giá trong nước sẽ khó có thể giảm mà chỉ duy trì mức giá hiện tại cho tới cuối năm do khó khăn tài chính sẽ vẫn tiếp tục kìm hãm khả năng nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp trong khi lượng dự trữ sẽ nhanh chóng cạn vào quý 4

Xin cảm ơn bà


Trích từ "BC thị trường thức ăn chăn nuôi VN quý 2 năm 2009” của agroinfo, ww.agro.gov.vn
------------------------------------------------------
Để biết thêm thông tin chi tiết về diễn biến giá cả các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước và quốc tế hàng ngày cũng như những phân tích, bình luận, dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi, mời quý vị đăng ký đặt mua Báo cáo thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam quý 2 năm 2009 theo mẫu dưới đây.

Tải mẫu đặt mua báo cáo tại đây

Xem chi tiết báo cáo tại đây hoặc

Liên hệ để đặt mua Báo cáo theo địa chỉ:

Nguyễn Thị Thu Hà - ĐT: (84.4) 9725153

Email: banhang_agro@yahoo.com

Fax: 844.9725153



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường